Thời kì Tam Quốc: Ngụy, Thục, Ngô (220 – 280)
1. Cuộc nội chiến cuối thời Đông Hán
Cuối thời Đông Hán, nhân khi chính quyền trung ương suy yếu, trật tự xã hội hỗn loạn, các quan lại châu quận và các nhà hào phú ở địa phương đã phát triển lực lượng vũ trang của mình trở thành những tập đoàn quân phiệt chiếm cứ các nơi trong nước.
Ở triều đình, sau khi đàn áp được phong trào Khăn vàng, cuộc đấu tranh giữa các thế lực chính trị khác nhau vẫn tiếp diễn. Năm 189, Hán Linh đế chết. Kẻ nắm quyền bính là Đại tướng quân Hà Tiến (anh của Hà hoàng hậu) ngâm liên kết với các tướng quân phiệt Viên Thiệu, Đổng Trác để tiêu diệt bọn quan hoạn, nhưng việc chưa thành thì bị quan hoạn giết chết. Với binh lực trong tay, Viên Thiệu giết được hơn 2.000 quan hoạn, nhưng ngay sau đó, Đổng Trác kéo quân vào kinh đô nắm lấy mọi quyền hành trong triều đình. Năm 192, Đổng Trác bị một viên tướng của mình là Lữ Bố giết. Từ đó, cuộc nội chiến giữa các thế lực quân phiệt càng lan rộng và quyết liệt, còn vua Đông Hán là Hiến đế (190–220) thì hết bị tập đoàn quân phiệt này đến tập đoàn quân phiệt khác thao túng.
Năm 196, Tào Tháo, một kẻ rất tích cực trong việc đánh Đổng Trác và nhanh chóng phát triển lực lượng của mình nhờ thu nạp được 30 vạn quân Khăn vàng đã khống chế được chính quyền Đông Hán.
Năm 200, Tào Tháo đánh thắng Viên Thiệu ở trận Quan Độ rồi thâu tóm được cả miền Bắc Trung Quốc. Lúc bấy giờ, ở miền Nam có hai lực lượng đáng chú ý là Tôn Quyền và Lưu Bị. Năm 208, Tào Tháo đưa hơn 20 vạn quân xuống giao chiến với 5 vạn liên quân của Tôn Quyền và Lưu Bị ở trận Xích Bích, nhưng bị thất bại nặng nề.
Sau trận đánh nổi tiếng này, Lưu Bị tiến về phía tây, tạo thành ba thế lực đối địch với nhau : Tào Tháo ở bắc, Tôn Quyền ở đông nam, Lưu Bị ở tây nam.
2. Sự thành lập và diệt vong của ba nước Ngụy, Thục, Ngô
Năm 220, Tào Tháo chết, con là Tào Phi bắt Hán Hiến đế phải “nhường ngôi” cho mình, nhà Đông Hán diệt vong. Tào Phi lên làm vua, đóng đô ở Lạc Dương, đặt tên nước là Ngụy.
Năm 221, Lưu Bị cũng xưng làm hoàng đế, đóng đô ở Thành Đô, lấy quốc hiệu là Hán, lịch sử thường gọi là Thục.
Năm 222, Tôn Quyền xưng vương (đến năm 229 cũng xưng đế), đóng đo ở Kiến Nghiệp (Nam Kinh sau này), đặt tên nước là Ngô.
Thế là, bắt đầu từ năm 220, lịch sử Trung Quốc chính thức bước vào thời kì Tam Quốc.
Trong 3 nước này, Ngụy là nước mạnh nhất, do đó tuy giữa Thục và Ngô, đã từng xảy ra chiến tranh, nhưng vì quyền lợi sống còn nên hai bên phải thân thiện với nhau để chống lại Ngụy. Sau mấy chục năm giằng co với nhau, đến năm 263, Thục bị Ngụy tiêu diệt. Năm 265, ở miền Bắc, triều Tấn thay triều Ngụy. Ngay sau đó, Tấn lấy đất Thục làm căn cứ quân sự để đóng chiến thuyền, huấn luyện thuỷ quan, chuẩn bị đánh Ngô. Năm 280, Ngô bị Tấn tiêu diệt. Trung Quốc lại được thống nhất.