Khoa học kĩ thuật

Bên cạnh tư tưởng, văn học, sử học là những lĩnh vực nổi bật nhất của nền văn hoá Trung Quốc, trong thời kì này các mặt toán học, thiên văn, y được v.v… cũng đạt được những thành tựu quan trọng. 

Về Toán học, từ đời Hán đã biên soạn được quyển Cửu chương toán thuật, trong đó nêu ra các phương pháp tính diện tích ruộng đất theo các hình khác nhau, tính khối lượng đất đắp thành đào hào, tính giá tiền lương thực, gia súc v.v… Trong khi tính toán các vấn đề nói trên, sách này đã đề cập một số mặt của đại số học như phương pháp giải phương trình bậc một có nhiều ẩn số… 

Thành tích nổi bật về toán học thời Nam Bắc triều là Tổ Xung Chi (429 – 500) đã tìm được số x chính xác có 7 số lẻ nằm giữa 2 số 3.1415926 và 3.1415927, Phát minh này của Tổ Xung Chỉ sớm hơn các nhà toán học các nước khác hơn 1.000 năm. 

Về thiên văn học, Trung Quốc vốn có nhiều hiểu biết từ thời cổ đại. Đến thời Tần Hán, Trung Quốc lại phát minh ra nông lịch tức là chia một năm thành 24 tiết để nông dân có thể dựa vào đó để biết thời vụ sản xuất. Đồng thời, từ thời Tây Hán về sau, các triều đại đã nhiều lần điều chỉnh lịch, nên lịch ngày càng chính xác. 

Nhà thiên văn học nổi tiếng thời Đông Hán là Trương Hành (78 – 139). Ông đã biết ánh sáng của mặt trăng là nhận của mặt trời. Ông cho rằng thiên thể hình cầu như vỏ trứng mà quả đất thì như lòng đỏ. Một vòng của bầu trời là 365 ¼, một nửa ở trên quả đất, một nửa ở dưới quả đất. Căn cứ theo suy nghĩ ấy, ông làm được một mô hình thiên thể gọi là “hồn thiên nghĩ”. Khi mô hình này chuyển động thì các vì sao đó cũng di chuyển giống như tình hình thực ngoài bầu trời. 

Trương Hành còn có nhiều hiểu biết về địa lí, địa chất học. Ông làm được một dụng cụ đo động đất gọi là “địa động nghi” có thể đo một cách chính xác phương hướng của động đất. 

Về y dược, từ đời Hán đã xuất hiện nhiều thầy thuốc giỏi, trong số đó nổi tiếng nhất là Hoa Đà. Ông là người đầu tiên của Trung Quốc đã biết dùng phẫu thuật để chữa bệnh. Ông còn chủ trương phải luyện tập thân thể cho huyết mạch được lưu thông và chính ông đã soạn ra bài thể dục “ngũ cấm hí” tức là những động tác bắt chước 5 loài động vật là hổ, hươu, gấu, vượn và chim. 

Nhà y dược học nổi tiếng đời Minh là Lý Thời Trân. Tác phẩm Bản thảo cương mục của ông là một quyển sách thuốc rất có giá trị. Trong tác phẩm này ông đã giới thiệu 1558 vị thuốc do người đời trước tìm ra và còn thêm vào 374 vị thuốc mới. Tác giả đã phân loại, đặt tên, giới thiệu tính chất, công dụng và hình vẽ các cây thuốc đó. Vì vậy, sách này không chỉ là một tác phẩm được học có giá trị mà còn là một tác phẩm thực vật học quan trọng. 

Về mặt kĩ thuật, trong giai đoạn lịch sử này, nhân dân Trung Quốc có bốn phát minh hết sức quan trọng. Đó là giấy kĩ thuật in, la bàn và thuốc súng. 

Mãi đến thời Tây Hán, ở Trung Quốc, người ta vẫn còn viết lên thẻ tre hoặc lụa. Đến thế kỉ I tr. CN, nhờ sự phát triển của nghề tầm tơ, nhân dân lao động Trung Quốc đã phát minh được cách làm một loại giấy thô sơ bằng tơ. Đến năm 105, một viên quan hoạn thời Đông Hán là Thái Luân phát minh ra cách dùng vỏ cây, lưới cũ, giẻ rách… để làm giấy. Từ đó nghề sản xuất giấy trở thành một nghề mới, tạo điều kiện cần thiết cho sự phát triển nhanh chóng của nền văn hoá Trung Quốc. Kĩ thuật làm giấy của Trung Quốc đến thế kỉ VIII truyền sang Arập, ba bốn thế kỉ sau lại từ Arập truyền sang Tây Âu. 

Kĩ thuật in bắt đầu được phát minh từ đời Đường, nhưng bấy giờ người ta chỉ mới biết in bằng văn khác. Đến giữa thế kỉ XI (đời Tống), một người dân thường tên là Tất Thăng đã phát minh ra cách in chữ rời bằng đất nung. Chữ được xếp lên một tấm sắt có sáp, xếp xong đem nung nóng cho sáp chảy rồi để nguội, sáp sẽ giữ chặt lấy chữ, và như vậy có thể đem in. Nhược điểm của phát minh này là chữ hay mòn, khó tô mực, in không được sắc nét. Đến đầu thế kỉ XIV nhược điểm đó được khắc phục bằng cách thay chữ đất nung bằng chữ gỗ. Đến cuối thế kỉ XIV (đầu đời Minh), kĩ thuật in truyền sang Triều Tiên. Người Triều Tiên đã cải tiến thay chữ gỗ bằng chữ đồng và sau đó lại truyền sang Trung Quốc. Từ đó nghề in ở Trung Quốc càng tiến bộ. 

Việc phát minh ra kim chỉ nam cũng trải qua một quá trình lâu dài. Từ thế kỉ III tr. CN người Trung Quốc đã biết được tính chất hút sắt của đá nam châm và đến thế kỉ I tr. CN thì biết được tính chất chỉ hướng của nó, nhưng mãi đến đời Tống mới phát minh được sắt nam châm nhân tạo. Vào thế kỉ XI, người ta bắt đầu biết dùng sắt mài lên đá nam châm để thu hút từ tính rồi dùng miếng sắt đó vào việc làm la bàn, la bàn lúc đầu chỉ là miếng sắt có từ tính xấu qua cọng rơm thả nổi trong bát nước hoặc treo bằng sợi tơ ở chỗ kín gió. Việc phát minh ra la bàn đã tạo điều kiện hết sức thuận lợi cho sự phát triển nghề hàng hải ở Trung Quốc. 

Còn việc phát minh ra thuốc súng là thành tích ngẫu nhiên của các nhà luyện đan. Từ xưa người Trung Quốc tin rằng người ta có thể luyện được vàng và thuốc trường sinh bất lão. Nguyên liệu mà các nhà luyện đan thường dùng là lưu huỳnh, diêm tiêu và than gỗ. Cho đến đời Đường mục đích chính của họ thì không đạt được, trái lại thường gây nên những vụ nổ hoặc cháy, và thế là, tình cờ người ta tìm ra được cách làm thuốc súng. 

Đến đầu thế kỉ X, thuốc súng bắt đầu được dùng để làm vũ khí, và đến đời Tống thì được ứng dụng rộng rãi vào việc chế tạo những loại vũ khí thô sơ như tên lửa, cầu lửa, quạ lửa, pháo, đạn bay v.v… 

Việc phát minh ra giấy, kĩ thuật in, la bàn và thuốc súng là những cống hiến rất lớn của nhân dân Trung Quốc đối với nền văn minh thế giới. 

Ngoài các thành tựu nói trên, nghệ thuật lâu đời của Trung Quốc với trình độ cao, phong cách độc đáo biểu hiện ở các mặt hội hoạ, điêu khắc, kiến trúc, mĩ thuật công nghiệp… cũng là một lĩnh vực rất nổi tiếng. 

Tóm lại, dưới thời phong kiến, nền văn hoá Trung Quốc phát triển rực rỡ. Những thành tựu lớn lao trên lĩnh vực này đã làm cho Trung Quốc trở thành một trung tâm văn minh quan trọng ở Viễn Đông và trên thế giới.