Các nước cổ Triều Tiên, Phù Dư, Thìn Quốc (Thế kỉ V đến I TCN)

Triều Tiên là một bán đảo nằm ở phía đông bắc lục địa châu Á. Tại đây, từ thời Thái cổ đã có người nguyên thuỷ sinh sống. Di hài xương cốt của người nguyên thuỷ do khảo cổ học phát hiện trên đất Triều Tiên cho thấy họ có nhiều quan hệ với người nguyên thuỷ ở miền Bắc Trung Quốc – đều thuộc chủng tộc Môngôloit. Ở vùng biển phía tây và phía nam bán đảo Triều Tiên còn đi tích của người nguyên thuỷ để lại. Đó là những đống vỏ sò lớn có lẫn những công cụ bằng đá mài (dao, búa, mũi tên đá…), đồ gốm (mà kiểu dáng giống đồ gốm thời kì đá mới ở vùng ven biển Trung Quốc và Nhật Bản), xương động vật… Tại bán đảo Triều Tiên còn tìm thấy nhiều mộ đá (đồn men) thuộc thời đại đá mới rất giống những mộ đá ở bán đảo Liêu Đông và Sơn Đông của Trung Quốc. Khoảng thiên niên kỉ II tr.CN, Triều Tiên bước vào thời kì đồ đồng thau, và sang thế kỉ V tr.CN thì quá độ sang thời kì đồ sắt, đồng thời cũng bắt đầu chuyển sang xã hội có giai cấp. 

Trên cơ sở tan rã của chế độ công xã nguyên thuỷ, một số quốc gia cổ đại đã ra đời. 

Quốc gia xuất hiện sớm nhất là nước Cổ Triều Tiên. Địa bàn của nước Có Triều Tiên ở vùng lưu vực sông Liêu ở Đông Bắc Trung Quốc và miền Tây-Bắc Triều Tiên ngày nay. Nước Cổ Triều Tiên xuất hiện vào thế kỉ V tr.CN. Cuối thế kỉ III tr.CN, vua nước Cổ Triều Tiên là Phủ lên ngôi. Sau khi Phủ chết, con là Chuẩn kế vị. Ở thời Chuẩn, nhiều cư dân Trung Quốc ở các nước Tề, Yên, Triệu do không chịu nổi ách thống trị của nhà Tần đã chạy sang Triều Tiên. Họ được Chuẩn cho cư trú ở miền Tây của nước Cổ Triều Tiên. Đầu thế kỉ II tr.CN, một quý tộc nước Yên tên là Vệ Mãn đem theo hơn 1000 người chạy sang xin cư trú ở miền đất phía tây và được Chuẩn đồng ý. Vệ Mãn không ngừng chuẩn bị lực lượng. Nam 194 tr.CN, Vệ Mãn tấn công Vương Hiểm Thành (Bình Nhưỡng ngày nay), lật đổ Chuẩn, tự lên làm vua Cổ Triều Tiên. Năm 108 tr.CN, nhà Hán ở Trung Quốc cho quân sang xâm lược Cổ Triều Tiên và đặt ách thống trị ở đây. Nhà Hán chia nước Cổ Triều Tiên thành 4 quận là Lạc Lãng, Chân Phiên, Huyền Thỏ và Lâm Đồn, trong đó trung tâm của bộ máy cai trị đặt ở Lạc Lãng. Đến năm 82 tr.CN, nhân dân các dân tộc ở Triều Tiên nổi dậy đấu tranh quyết liệt buộc quân Hán phải rút khỏi 3 quận Chân Phiên, Huyền Thỏ và Lâm Đồn. Nhà Hán chỉ còn khống chế được một số khu vực trong quận Lạc Lăng.

Vào thế kỉ III tr.CN, trên đất Triều Tiên còn xuất hiện các nước Phù Dư, Thìn Quốc và một số nước nhỏ khác. Nước Phù Dư ở vùng lưu vực sông Tùng Hoa và sông Hắc Long Giang ở Đông Bắc Trung Quốc. Địa bàn của nước Thìn Quốc ở miền Nam bán đảo Triều Tiên. 

Từ năm 194 tr.CN, khi bị Vệ Mãn đánh đuổi, vua của nước Cổ Triều Tiên là Chuẩn đã chạy xuống nước Thìn Quốc. Được vua Thìn Quốc giúp dỡ, Chuẩn thành lập tại đây một nước nhỏ phụ thuộc vào Thìn Quốc và tự xưng là Hàn vương. Sau khi Chuẩn chết, nước này sáp nhập hẳn vào Thìn Quốc làm dân cư Thìn Quốc ngày càng đông và sự phân hoá cư dân cũng ngày càng phức tạp hơn. Trong các nước Cổ Triều Tiên, Phù Dư và Thìn Quốc, cư dân chia làm ba giai cấp là quý tộc, bình dân và nô lệ. Bình dân ở Phù Dư chia làm hai loại gọi là “hào dân” và “hạ bộ”. Hào dân là bình dân lớp trên, tuy không phải là quý tộc, nhưng có tư hữu tài sản, chiếm hữu một số nô lệ. Hạ bộ là bình dẫn lớp dưới, họ sống cực khổ và rất dễ bị rơi xuống hàng ngũ nô lệ. Nô lệ ở Triều Tiên có số lượng khá lớn, một số là dân tự do bị phạm tội, một số là cư dân ngoại tộc. Có lần Thìn Quốc bắt được 1500 người Hán và biến họ thành nô lệ. Do số lượng nô lệ quá nhiều, nên một quý tộc Phù Dư chết đã chôn theo hơn 100 nô lệ. 

Về chính trị, các nước này đã có bộ máy nhà nước tương đối hoàn chỉnh. Ở nước Cổ Triều Tiên, dưới vua có các chức quan như Tướng quốc, Đại phu, Bác sĩ, Tướng quân… Ở nước Phù Dư, quan lại gọi là “gia”. Quan lại ở trung ương có Mã gia, Ngưu gia, Cẩu gia, Trư gia… Bọn quý tộc quan lại được nhà vua ban cho ruộng đất và nông dân làm bổng lộc. Bên cạnh bộ máy quan lại, các nước còn xây dựng những đội quân khá mạnh, như Cổ Triều Tiên cuối thế kỉ II tr. CN quân đội có số lượng tới mấy vạn người và đã từng đánh nhau với nước Yên của Trung Quốc. 

Để bảo vệ quyền lợi của giai cấp thống trị, các nước còn đặt ra pháp luật. Nước Cổ Triều Tiên có bộ luật gồm 8 điều, trong đó có 3 điều quy định : 

– Giết người bị tử hình.

– Làm người khác bị thương phải đền bằng thóc.

– Phạm tội trộm cắp bị biến thành nô lệ, muốn thoát khỏi thân phận nô lệ thì phải chuộc bằng một khoản tiền lớn. 

Ở nước Phù Dư, pháp luật quy định ai giết người thì bị xử chém, còn những người trong gia đình bị bắt làm nô lệ ; ăn trộm phải bồi thường gấp 12 lần, nếu không bồi thường thì phải làm nô lệ. 

Những điều luật đó chứng minh quan hệ nô lệ trong các quốc gia cổ đại Triều Tiên đã khá phát triển.