Cuộc cải cách Taica và sự thiết lập chế độ phong kiến

Từ thế kỉ VI Nhật Bản đã trở thành một quốc gia thống nhất. Sản xuất bước đầu phát triển nhờ áp dụng nhiều cải tiến kĩ thuật. Trong nông nghiệp người ta sử dụng rộng rãi các công cụ sắt và đồng, xây dựng và mở rộng nhiều công trình tưới nước. Nhiều nghề thủ công phát triển, nhất là các nghề sản xuất tơ lụa và đóng thuyền. Hoạt động thương nghiệp bước đầu được đẩy mạnh cả ở trong nước và cả với bên ngoài như với Trung Quốc và Triều Tiên. Tuy nhiên, sự phát triển của sản xuất chỉ làm giàu thêm cho tầng lớp quý tộc, còn quần chúng nhân dân vẫn cực khổ vì bị áp bức nặng nề và tàn khốc. Những cuộc phản kháng của quần chúng lao động thường xuyên xảy ra, thông thường là bỏ trốn. Chế độ bộ dân bắt đầu có những dấu hiệu tan rã. Do vậy, nhà nước đã cử quan lại đến quản lí một số bộ dân, tiến hành đăng kí các gia đình bộ dân vào sổ hộ tịch. Nhờ đó, nhà nước đã bắt đầu trực tiếp quản lí một số đồng bộ dân từ địa vị phụ thuộc quý tộc sang địa vị thần dẫn nhà nước. Tình hình trên chứng tỏ rằng, vào cuối thế kỉ VI, đầu thế kỉ VII Nhật Bản đang chuyển mình sang xã hội phong kiến.

Phải thừa nhận rằng, người đặt nền móng cho những thay đổi đó là Thái tử Sốtôcư với đạo luật 17 điều và nhiều chính sách tiến bộ của ông. Tuy là một con người cực kì tài năng và sáng suốt, nhưng do những điều kiện lịch sử, ông đã không thực hiện được những dự định của mình, và do vậy vẫn chưa có một sự thay đổi lớn trong nền chính trị Nhật Bản dưới thời ông. Sau khi ông qua đời năm 622, dòng họ Sôga trở nên mạnh hơn và ngày càng lộng hành tới mức lũng đoạn chính quyền của Thiên hoàng, chiếm nhiều ruộng đất, khống chế nhiều bộ dân và trở thành chướng ngại chủ yếu trên con đường phát triển của lịch sử Nhật Bản lúc đó. Vì vậy, chỉ có tiêu diệt thế lực của họ Soga thì mới thực hiện được những dự định của Sôtốcư. 

Cuối cùng, vào năm 645, hoàng tử Nacanbe được sự ủng hộ của họ Nacatomi (sau đổi thành họ Phudioara) đã làm một cuộc chính biến lật đổ thế lực họ Sôga. Ngay sau đó, hoàng tử Nacante lập Thiên hoàng Cótốcư (Hiếu Đức), đặt niên hiệu là Taica (Đại Hoá), còn mình thì làm Thái tử nhiếp chính. 

Một năm sau khi lên ngôi, vào năm 646 Thiên hoàng Cótôcư đã ban chiếu cải cách và liền đó ban hành những luật lệnh cụ thể. Lịch sử Nhật Bản gọi đó là Cuộc cải cách Taica (646 – 649), một cuộc cải cách do tầng lớp quý tộc thực hiện dựa vào các luận thuyết chính trị của Sotocư. 

Nội dung chủ yếu của cuộc cải cách Taica trước hết, là xoá bỏ quyền sở hữu tư nhân về đất đai để chuyển vào quyền sở hữu của nhà nước. Chế độ bộ dân đồng thời cũng bị bãi bỏ, toàn bộ cư dân trở thành thần dân của nhà nước, được canh tác các khoảnh đất của quốc gia, và do đó có nghĩa vụ đóng thuế cho nhà nước. 

Theo quy định của chế độ “ban điền” (chia ruộng) trong cải cách Taica thì người ở địa phương nào được chia ruộng ở địa phương ấy. Nam từ 6 tuổi trở lên, mỗi người được cấp 1 đoạn (1 đoạn bằng 0,12ha), mỗi suất nữ được chia bằng 2/3 suất nam. Nếu có nô tì (hạng tôi tớ gái ở suốt đời trong nhà, được coi như thân quyến) hoặc đầy tớ trai hay gái (loại tôi tớ có thể đổi chủ tuỳ theo ý muốn) thì được cấp mỗi người bằng 1/3 suất của người tự do. Những người nhận phải ruộng xấu thì được cấp gấp đối diện tích đã ấn định. Mỗi gia đình được quyền sở hữu với đất nhà, đất vườn của họ. Rừng núi, ao hồ, sông ngòi là của chung, ai cũng có quyền sử dụng. Nông dân nhận ruộng phải nộp thuế cho nhà nước bằng thóc với mức 3% sản lượng thu hoạch ở những người có dưới 1 mẫu (1 mẫu bằng 10 đoạn) và mức 25% sản lượng thu hoạch ở những người có trên 1 mẫu ruộng. Đồng thời, họ còn phải nộp thuế bằng sản phẩm thủ công nghiệp gia đình như tơ, lụa, bông, vải hoặc thổ sản địa phương, và phải làm lao dịch 10 ngày trong một năm trong các công trình chung như xây dựng, tưới ruộng, làm đường, vận tải lương thực… 

Chính sách ban điền của cuộc cải cách Taica rõ ràng là sự xác nhận quan hệ sản xuất phong kiến ở Nhật Bản giữa thế kỉ VII. Người nông dân lĩnh canh ruộng đất, về hình thức, không mất quyền tự do cá nhân. Họ vẫn giữ tài sản và công cụ sản xuất của họ, và điều đó khiến họ chủ động phần nào trong việc canh tác. Nhưng đồng thời họ không có quyền rời bỏ khoảnh đất được chia, nghĩa là thực tế thì họ bị trói chặt vào ruộng đất phong kiến và trở thành đối tượng bóc lột chủ yếu của nhà nước và giai cấp thống trị. Do phương thức bóc lột thay đổi mà tầng lớp quý tộc cũ đã biến thành tầng lớp quý tộc quan lại mới. Theo luật pháp, tầng lớp quý tộc thống trị cũng có đất riêng của mình dưới hình thức đất phong nhận được của nhà nước. Loại đất này khác về cơ bản với đất đai mà nhà nước chia cho nông dân. Căn cứ theo tước vị, chức vụ, công lao của quý tộc mà nhà nước ban cấp ruộng đất cho họ mang những danh hiệu khác nhau. 

Có 3 loại ruộng đất phong, đó là : “ruộng chức vụ”, “ruộng tước vị” và “ruộng thưởng công lao với nhà nước”. 

Ruộng đất chức vụ và tước vị được ban cấp trong thời kì đảm nhiệm chức vụ nhất định hay được phong vào một cấp nhất định. Đất thưởng phong thì cấp trong 2 hay 3 đời. Nhìn chung, những loại đất này đều được ban cấp một cách hình thức cho sử dụng trong một thời hạn ngắn hay dài tuỳ trường hợp. Song, vì tất cả những người được ban cấp ruộng đất đều là quý tộc giữ những chức vụ khác nhau trong bộ máy cai trị, nên việc biến quyền sử dụng các đất đai đó thành quyền tư hữu chỉ còn là vấn đề thời gian. 

Ngoài đất phong, bọn quý tộc còn được nhận kèm theo những hộ nông dân làm bổng lộc. Tuy theo tước vị mà được nhận từ 100 đến 500 hộ, và tuỳ theo chức vụ mà được nhận từ 800 đến 3000 hộ. Nếu có công lao với nhà nước cũng được ban cấp một số hộ nông dân. Những gia đình nông dân này phải nộp một nửa số tổ thóc cho nhà nước, còn một nửa thì nộp cho quý tộc phong kiến trực tiếp có quyền sử dụng họ. 

Một nội dung chủ yếu nữa trong cuộc cải cách Taica là xây dựng nhà nước tập quyền trung ương, giống như bộ máy nhà nước đời Đường (Trung Quốc). Người đứng đầu nhà nước và có quyền lực cao nhất là Thiên hoàng. Dưới Thiên hoàng có các quan quản lí các việc nội chính, tư pháp, quân sự, kinh tế tài chính, lễ nghi… cùng nắm giữ chính quyền trung ương và được tổ chức thành Đại hội đồng nhà nước có Tể tướng đứng đầu cùng 8 bộ phụ thuộc, bao gồm : Bộ Trung ương, Bộ Lễ, Bộ Lại, Bọ Hộ, Bộ Binh, Bộ Hình, Bộ Ngân khố và Bộ Cung vua. 

Toàn quốc được chia thành các đơn vị hành chính địa phương là : quốc, quận, làng. Người đứng đầu xứ là Quốc tỉ, đứng đầu quận lớn là Đại lĩnh, đứng đầu quận nhỏ là Tiểu lĩnh và đứng đầu làng là Lí trưởng. Chức Quốc tị trở lên đều do nhà nước bổ nhiệm, được cấp ruộng đất làm bổng lộc, nhưng chức vụ thì không được cha truyền con nối. 

Thể chế nhà nước mới được hình thành trong cuộc cải cách Taica, sau đó đã được pháp lí hoá trong bộ luật Taiho Risư Rio (Đại Bảo luật lệnh), ban hành vào năm 701. 

Cải cách Taica được các sử gia phong kiến Nhật Bản ca ngợi như là một ăn huệ của Thiên hoàng đối với nhân dân Nhật Bản thời đó. Trên thực tế cuộc cải cách diễn ra là sự phản ánh một giai đoạn phát triển của lịch sử Nhật Bản, là kết quả đấu tranh của quần chúng lao động mà trước hết là của bộ dàn và nô lệ. Cuộc đấu tranh đã khiến giai cấp thống trị phải thay đổi phương thức bóc lột. Trong hoàn cảnh đó, cuộc cải cách Taica được diễn ra để thiết lập một trật tự và thể chế mới, đã rập khuôn chế độ phong kiến nhà Đường (Trung Quốc), với những nội dung chủ yếu là : thực hiện quyền sở hữu ruộng đất tối cao của nhà nước, thực hiện chế độ quân điền và củng cố chế độ nhà nước tập quyền trung ương. 

Sau cải cách, nền tảng căn bản của chế độ phong kiến ở Nhật Bản đã được xây dựng. Với ý nghĩa đó, cải cách Taica được coi là một sự kiện lịch sử quan trọng, đánh dấu sự củng cố chế độ phong kiến ở Nhật Bản.