Văn minh Cret – Myxen (Thiên kỉ III đến II TCN)

– Trước thập kỉ 70 của thế kỉ XIX, văn minh Crét – Myxen trong lịch sử Hi Lạp được biết đến quá sơ sài, mờ nhạt, chủ yếu dựa vào các truyền thuyết hoang đường và qua 2 tập sử thi Ilift – Odixê của Hôme cho tới những thập kỉ cuối cùng của thế kỉ XIX, nhờ các kết quả của công tác khai quật khảo cổ của nhà khảo cổ học người Đức – Henrich Soliman (1822 – 1890) – và nhà khảo cổ học người Anh – Actua Ivan (1851 -1941) – với các di chỉ thuộc thành Toroa, Myxen, Tiranh và thành cổ Cơnốt (trên đảo Crét), lịch sử Hi Lạp từ thiên kỉ II đến thiên kỉ I TCN, dần dần được sáng tỏ. Trước khi các tộc người Hi Lạp chinh phục và làm chủ bán đảo Bancăng, cư dân ở vùng này và trên các đảo lớn, nhỏ (nhất là đảo Crét) đã xây dựng được một nền văn minh rực rỡ – Văn minh Crét – Myxen.

– Crét là một đảo lớn ở phía nam biển Êgiê, còn Myxen là một địa danh thuộc vùng đồng bằng Pelopone. Năm 1900, Actua Ivan – nhà khảo cổ học người Anh – đã tiến hành khai quật nhiều đợt ở khu vực, theo truyền thuyết, vốn là thành cổ Conôt thuộc đảo Crét. Kết quả thật bất ngờ, Actua Ivan đã thu được nhiều hiện vật có giá trị, đặc biệt là di tích của thành Toroa (ở Tiểu Á). Vào năm 1873, Henrich Soliman – nhà khảo cổ học người Đức – đã tới khai quật ở khu vực Pelopone. Ở Myxen, đoàn khảo cổ đã phát hiện được nhiều di vật quý, những thành lay xây bằng đá, nhiều mộ táng có chôn theo vàng, bạc, đồ dùng quý báu. Năm 1885, Soliman lại phát hiện được ở Tranh – một địa điểm cách không xa Myxen – một cung điện lộng lẫy có tường đã bao quanh với những bức bích họa sinh động.

– Văn minh Crét từ thiên kỉ III TCN tới cuối thiên kỉ II TCN. Giai đoạn huy hoàng nhất thuộc các thế kỉ XVII, XVI, XV TCN. Văn minh Myxen từ cuối thiên kỉ III TCN – khi người Akeen từ phương Bắc thiên di xuống phía nam và định cư ở Pelopone – đến cuối thiên kỉ II TCN. Từ thế kỉ XV đến thế kỉ XII TCN, văn minh Myxen cũng đạt tới giai đoạn huy hoàng nhất. 

Qua các hiện vật thu được, người ta thấy ở Crét-Myxen, kinh tế nông nghiệp và chăn nuôi là hoạt động kinh tế chủ đạo của người Hi Lạp. Nồng sản gồm các loại lúa mì, lúa mạch, các loại đậu, rau, quả, đặc biệt là nho và Oliu. Gia súc được chăn nuôi chủ yếu là ngựa, lừa. Thủ công nghiệp cũng tương đối phát đạt. Các di vật ở cung điện thứ nhất, thứ hai của thành Cơnốt (văn minh Crét) cũng như ở Myxen cho thấy rằng nhiều ngành, nghề thủ công đã xuất hiện với các nghề : sản xuất đồ gốm, rèn, đồ trang sức, ép dầu, sản xuất rượu… Trên cơ sở nông nghiệp và thủ công nghiệp, hoạt động thương mại của người Crét – Myxen cũng thành đạt, sản phẩm thủ công được trao đổi rộng rãi ở nhiều vùng khác nhau với Nam Italia, đảo Xixin, Tiểu Á. 

Tóm lại, văn minh Crét – Myxen là một nền văn minh của một xã hội có giai cấp, nhà nước, tương tự như các nền văn minh của các quốc gia cổ đại phương Đông. Nền văn minh này bị tàn tạ vào thiên kỉ II TCN, cùng với những cuộc thiên di lớn của các tộc người Hi Lạp từ phía bắc tràn xuống chinh phục và định cư.