Kết luận Cuộc cải cách nông nô ở Nga giữa thế kỉ XIX
Trong khi hầu hết các nước châu Âu tiến hành cuộc cách mạng tư sản thì ở nước Nga diễn ra cuộc cải cách nông dân. Giai cấp tư sản Nga yếu ớt không đảm đương được vai trò lịch sử lãnh đạo cuộc cách mạng chống phong kiến. Chính phủ Nga hoàng ban hành một số cải cách nhằm xoa dịu phong trào đấu tranh mạnh mẽ của quán chúng, duy trì địa vị thống trị và bảo vệ lợi ích của giai cấp quý tộc địa chủ.
Về mặt khách quan, đạo luật thủ tiêu chế độ nông nô năm 1861 và những cải cách tiếp theo có tác dụng tạo một số điều kiện nhất định cho sự phát triển chủ nghĩa tư bản ở Nga. Nó làm tăng nguồn cung cấp sức lao động cho công nghiệp, nâng cao một bước địa vị chính trị của giai cấp tư sản, biến nước Nga Sa hoàng thành một nước quân chủ tư sản.
“Cuộc cải cách nông dân là một cuộc cải cách có tính chất tư sản do bọn phong kiến thực hiện. Đó là một bước chuyển biến của nước Nga sang nền quân chủ tư sản.
Nhưng cuộc cải cách nửa chừng không triệt để ở Nga còn duy trì nhiều dấu vết của trật tự phong kiến, thể hiện trên các mặt của chế độ chính trị và kinh tế xã hội. Chính quyền chuyên chế vẫn ở trong tay giai cấp quý tộc địa chủ. Các cơ quan cai trị địa phương. viện Duma thành phố, tòa án, giáo dục, báo chí… đều bị phụ thuộc vào Nga hoàng. Hầu hết ruộng đất tốt vẫn thuộc về quý tộc. Còn nông dân vẫn phải chịu các thứ tổ thuế nặng nề, các đóng góp phức tạp như chế độ “nghĩa vụ tạm thời”. Hàng triệu quần chúng nông dân được “giải phóng về mặt danh nghĩa vẫn không có quyền hành thực sự và vẫn bị lệ thuộc vào ruộng đất của quý tộc. Nó không tạo nên người công nhân tự do trong nền sản xuất tư bản chủ nghĩa hay người nông dân tự do mà vẫn là người lĩnh canh lệ thuộc bị trói buộc trên lãnh địa của địa chủ. Những trở lực của sự phát triển kinh tế tư bản chủ nghĩa chưa được giải quyết căn bản.