Sự thành lập quốc tế thứ nhất tuyên ngôn và điều lệ
1. Sự thành lập Quốc tế thứ nhất
Ngày 22 tháng 7 năm 1863, công nhân các nước ở Luân Đôn tiến hành một cuộc hội nghị lớn để tỏ lòng đồng tình với cuộc đấu tranh của nhân dân Ba Lan năm 1863 và phản đối các chính phủ châu Âu giúp đỡ Nga hoàng đàn áp cuộc khởi nghĩa đó. Hội nghị đã nổi lên sự cần thiết phải có một tổ chức quốc tế và ra lời kêu gọi. Nam sau, ngày 28 tháng 9 năm 1864, một cuộc họp được triệu tập ở Luân Đôn. Hội nghị đã quyết định thành lập một tổ chức công nhân quốc tế thường trực lấy tên là Hội Liên hiệp Lao động quốc tế (Quốc tế I), bầu ra một Ban chấp hành trung ương có nhiệm vụ khởi thảo tuyên ngôn và điều lệ. Mác là người lãnh đạo hội nghị, được bầu vào thường vụ của Ban chấp hành trung ương với tư cách là một nhà hoạt động nổi tiếng của phong trào cách mạng Đức. Trong đó còn có những đại biểu xuất sắc của các công đoàn Anh, công nhân Pháp và của các nước khác, tổng cộng 32 người. Việc khởi thảo tuyên ngôn và điều lệ được trao cho một tiểu ban, trong đó có Mác, nhà cách mạng lỗi lạc và có uy tín lớn lao trong giai cấp vô sản.
Mục đích của Quốc tế là : “đoàn kết toàn thế giai cấp công nhân có tinh thần chiến đấu ở châu Âu và châu Mĩ thành một đạo quân to lớn duy nhất”). Trong điều kiện giai cấp công nhân còn phân tán thành nhiều phe phái, chịu ảnh hưởng của nhiều quan điểm khác nhau thì Quốc tế cần phải có “một cương lĩnh không đóng cửa” để tập hợp họ lại và nâng cao dân trình độ hiểu biết về chính trị của công nhân. Vận dụng một cách mềm dẻo và trung thành với những nguyên lí cơ bản đã được đề ra trong Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản, Mác đã hoàn thành nhiệm vụ khó khăn đó. Ngày 1-11-1864, dự thảo của Mác được Ban chấp hành trung ương nhất trí thông qua, trở thành Tuyên ngôn và Điều lệ chính thức của Quốc tế.
2. Tuyên ngôn thành lập và điều lệ của Quốc tế thứ nhất
Trong Tuyên ngôn thành lập, Mác đã dùng tài liệu thực tiễn để đập tan luận điệu của giai cấp tư sản cho rằng nếu tổng số nhập khẩu và xuất khẩu của nước Anh tăng lên 50% thì ở đó không còn nạn nghèo nàn nữa. Trong xã hội tư bản, mọi sự cải tiến máy móc, áp dụng khoa học vào sản xuất, chinh phục thuộc địa, mở rộng thị trường, buôn bán tự do… đều không thể xóa bỏ được nạn nghèo khổ của quán chúng lao động. Mà trái lại, trên cơ sở xấu xa hiện nay, bất cứ sự phát triển mới nào của sức sản xuất, của lao động cũng đều nhất định làm cho sự đối lập trong xã hội sâu sắc hơn, đều nhất định khoét sâu thêm sự đối kháng trong xã hội.
Sau khi nhắc tới thắng lợi của giai cấp công nhân Anh trong cuộc đấu tranh đòi ngày làm 10 giờ, “Tuyên ngôn” nhấn mạnh tới vấn đề thủ tiêu chế độ tư hữu về tư liệu sản xuất.
Muốn thủ tiêu hoàn toàn chế độ tư hữu về tư liệu sản xuất và giai cấp tư sản, muốn chấm dứt chế độ nô lệ làm thuê để giải phóng quần chúng lao động thì phải tiến hành đấu tranh trên một quy mô rộng lớn. Do đó, giai cấp vô sản sẽ vấp phải sự phản kháng mãnh liệt của những tên trùm tư bản và trùm ruộng đất là những kẻ luôn luôn dùng đặc quyền chính trị của mình để duy trì và bảo vệ sự lũng đoạn về kinh tế, gây nên những trở ngại cho sự nghiệp giải phóng lao động. Vì vậy, phải trước hết tiêu diệt đặc quyền chính trị của chúng, việc giành chính quyền trở thành một nghĩa vụ của giai cấp công nhân.
Cuối cùng “Tuyên ngôn’ nhấn mạnh nhiệm vụ đoàn kết quốc tế của giai cấp vô sản. Nếu coi thường sự liên minh anh em cần phải có giữa công nhân các nước khác nhau để cùng nhau tự giải phóng thì sự nghiệp chung sẽ thất bại. Đồng thời, giai cấp vô sản còn phải phản đối những hoạt động xâm lược và ủng hộ các cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, phải ngăn chặn và vạch trấn chính sách ngoại giao phản động của chính phủ nước mình và phải coi đó là một bộ phận của cuộc đấu tranh chung để giải phóng giai cấp công nhân. Bản Tuyên ngôn kết thúc bằng khẩu hiệu “Vô sản tất cả các nước, đoàn kết lại !” đã được nêu trong “Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản”.
Điều lệ của Quốc tế là bức phác họa đầu tiên về chế độ tập trung dân chủ trong tổ chức của công nhân. Đại hội là cơ quan tối cao của Quốc tế, giữa hai đại hội thì Ban chấp hành trung ương do đại hội bầu ra sẽ lãnh đạo Quốc tế. Quốc tế dựa vào tổ chức sản có của công nhân để lập thành những chi bộ. Những chi bộ trong từng nước hợp lại thành liên chi và có hội đồng liên chi lãnh đạo. Những chi bộ vẫn có quyền tự trị trong hoạt động của mình, nhiệm vụ của các hội viên là phải cố gắng thống nhất các đoàn thể công nhân rời rạc ở nước mình thành những tổ chức có tính chất toàn quốc.
Việc thông qua bản Tuyên ngôn và điều lệ đánh dấu một bước thắng lợi đầu tiên của phong trào công nhân mà trong đó Múc đã góp phần cống hiến rất lớn lao. Tập hợp được mọi tổ chức của công nhân trong Quốc tế thứ nhất. Mác và Ăngghen còn không ngừng tiếp tục cuộc đấu tranh nhằm nâng cao trình độ giác ngộ của công nhân và đánh bại mọi học thuyết xã hội chủ nghĩa phi vô sản khác.
Các chi bộ Quốc tế thứ nhất lần lượt được thành lập ở Anh, Pháp, Thụy Sĩ, Bỉ, M… Riêng ở Đức và một số nơi khác, chế độ cảnh sát khác nghiệt không cho phép thành lập chi bộ khiến cho các nhà hoạt động ở đó phải liên hệ trực tiếp từng người với Ban chấp hành trung ương. Đến cuối mùa hè năm 1865, các chi bộ Quốc tế đã được thành lập ở hầu khắp các nước lớn ở châu Âu và Bắc Mỹ.