Nguyên nhân thất bại, ý nghĩa lịch sử của phong trào Nghĩa hòa đoàn 

Cuộc khởi nghĩa của Nghĩa hòa đoàn là một cuộc quật khởi của nông dân Trung Quốc, về quy mô là cuộc nổi dậy khá rộng lớn của nông dân chống đế quốc. Nó mang tính chất một cuộc đấu tranh dân tộc nhằm bảo vệ nền độc lập của đất nước. Cuộc đấu tranh đã bị bọn đế quốc và phong kiến câu kết với nhau dìm trong biển máu. Cuộc khởi nghĩa của nông dân Nghĩa hòa đoàn nổ ra giữa lúc phong trào đấu tranh chống đế quốc của nhân dân Trung Quốc lên cao, song trong xã hội Trung Quốc lúc này, giai cấp tư sản mới vừa ra đời chưa đủ khả năng lãnh đạo cuộc đấu tranh lớn lao của quần chúng. 

Cuộc khởi nghĩa của Nghĩa hòa đoàn tự mang trong bản thân tổ chức nhiều nhược điểm. Nông dân mê tín phù chú, tin là thần thánh có thể giúp họ khỏi bị đạn bắn chết. Họ không có cương lĩnh cách mạng không có đường lối chiến lược chiến thuật để đưa cuộc đấu tranh đến thắng lợi. Họ chiến đấu do bản năng tự vệ, vì quyền lợi sống còn của họ. Tổ chức không chặt chẽ làm hàng ngũ của họ dễ tan rã và kẻ thù dễ lợi dụng chui vào phá hoại. 

Trong cuộc đấu tranh, nông dân không hiểu hết bản chất của chính quyền phản động triều Thanh, nên có nhiều lãnh tụ bị nhà Thanh lừa giết. Họ cảm ghét đế quốc, bài ngoại một cách mù quáng như phá đường sắt, hủy cột điện, nhà ga, đánh giết giáo sĩ và giáo dân. 

Cuộc khởi nghĩa Nghĩa hòa đoàn đa thất bại, song ý nghĩa lịch sử của nó rất lớn lao. Nó đã giáng cho bọn đế quốc những đòn mạnh mẽ. Chính cuộc khởi nghĩa này đã tỏ rõ nông dân Trung Quốc là lực lượng mạnh mẽ, to lớn, có thể phát huy sức mạnh trong sự nghiệp giải phóng dân tộc sau này.