Cuộc khủng hoảng năng lượng thế giới năm 1973 và những vấn đề bức xúc đặt ra đối với toàn thể nhân loại
Nam 1973, cuộc khủng hoảng năng lượng thế giới bùng nổ, biểu hiện ở tình trạng khan hiếm, thiếu gay gắt các nguồn năng lượng, tiếp theo đó là sự tăng vọt nhiều lần giá các nguồn năng lượng, trước hết là dầu mỏ.
Cuộc khủng hoảng có nguyên nhân sâu xa từ mâu thuẫn nội tại của chủ nghĩa tư bản, mâu thuẫn giữa các nước tư bản phát triển và các công ti độc quyền của nó với các nước đang phát triển có nguồn khai thác năng lượng. Việc quốc hữu hoá các mỏ dấu và khí đốt, việc tăng chi phí sản xuất, việc các nước sản xuất nhiên liệu lỏng thống nhất lại trong “Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ” (viết tắt tiếng Anh là OPEC, thành lập tháng 9 – 1960, nhằm bảo vệ quyền lợi của các nước khai thác dầu mỏ), dẫn đến việc nâng cao nhiều lần giá dầu mỏ và các nguồn năng lượng khác. Đấu những năm 70, nhu cầu về dầu mỏ trên thị trường quốc tế tăng hơn nhiều so với lượng cung và cuối năm 1973 trở thành khủng hoàng gay gắt mang tính toàn thế giới.
Khủng hoảng năng lượng đánh mạnh vào nền kinh tế của đa số các nước tư bản chủ nghĩa, đặc biệt là các nước Tây Âu và Nhật Bản. Nó là nguyên nhân làm trầm trọng thêm cuộc khủng hoảng kinh tế 1974 – 1975 của chủ nghĩa tư bản thế giới, kéo theo nhiều cuộc khủng hoảng kinh tế, tài chính và tiền tệ (gây ra các cuộc “chiến tranh vàng”, “chiến tranh tiến tệ”, “chiến tranh sữa”, “chiến tranh đậu tương”…) Tiếp sau đó là những cuộc khủng hoảng và biến động về chính trị, mở đầu cuộc khủng hoảng chung mang tính toàn thế giới và đặt ra cho toàn nhân loại những vấn đề bức xúc phải giải quyết như: sự bùng nổ dân số và nguy cơ vơi cạn một cách đáng lo ngại những tài nguyên thiên nhiên cung cấp cho sự sống con người; những bệnh dịch của thế kỉ và hiểm họa ô nhiễm môi sinh buộc phải chế ngự và khắc phục; yêu cầu đổi mới để thích nghi về kinh tế, chính trị, xã hội trước sự phát triển vượt bậc của cách mạng khoa học – kĩ thuật sự hội nhập vào nền kinh tế – chính trị, văn hoá thế giới đang ngày càng phát triển mạnh mẽ theo xu thế quốc tế hoá; việc sản xuất những vũ khí giết người hàng loạt đang đặt ra trước nhân loại, nguy cơ một cuộc chiến tranh thế giới huỷ diệt sự sống của con người và nền văn minh nhân loại…
Trong bối cảnh đó, giới cầm quyền các nước tư bản chủ nghĩa đã tìm kiếm những hình thức thích nghi mới để thoát khỏi cuộc suy thoái trầm trọng nhất kể từ sau Chiến tranh thế giới thứ hai. Nhìn chung, các nước tư bản chủ nghĩa đã đi vào cải tổ cơ cấu kinh tế, áp dụng những thành tựu của cách mạng khoa học – kí thuật vào sản xuất và kinh doanh trên quy mô toàn hệ thống tư bản chủ nghĩa. Đồng thời, chủ nghĩa tư bản tìm cách thích nghi về chính trị, xã hội trước những biến động to lớn của tỉnh hình thế giới, trước những đòi hỏi của quần chúng nhân dầu (nâng cao tiền lương, mở rộng dân chủ, trợ cấp thất nghiệp, tăng giá bảo hiểm lao động và phúc lợi xã hội vv…). Cũng nhờ đó, các nước tư bản từng bước vượt qua được cuộc khủng hoảng vào đầu những năm 80, rồi sau đó tiếp tục phát triển cao hơn.
Giai đoạn từ nửa sau những năm 70 đến nay, Mĩ vẫn là nước đứng đầu thế giới tư bản về kinh tế, tài chính nhưng vị trí của Mĩ đã giảm sút nhiều so với trước. Cùng thời gian này, nền “công nghiệp hoá” và “hiện đại hoá” kinh tế ở một số nước đã đạt được những thành công đáng kể, dẫn tới sự xuất hiện ngày càng nhiều nước công nghiệp mới (NICs), làm sôi động thêm thị trường tư bản chủ nghĩa.