Sự ra đời của thành thị
1. Hoàn cảnh lịch sử
Từ cuối thời đế quốc Rôma, do sự suy thoái của nền kinh tế hàng hoá, các thành thị ở Tây Âu đã bị điều tàn. Sự xâm nhập và phá hoại của man tộc càng làm nghiêm trọng thêm tình hình ấy. Trừ một số thành phố ở Italia, miền Nam nước Pháp và Tây Ban Nha, còn nói chung, các thành thị đều trở nên vắng vẻ, các công trình kiến trúc tráng lệ trước kia như lâu đài, đền miếu… chỉ còn lại những đống hoang tàn, đường phố thì ngập cỏ, đất đại xung quanh biến thành đồng ruộng.
Đến đầu thời trung đại, để đề phòng sự xâm nhập của các tộc bên ngoài như người Noócmăng, người Ả Rập và do tình trạng hỗn chiến ở Tây Âu, ở Pháp và Đức đã xây dựng những thành luỹ mới hoặc khôi phục lại các công trình phòng thủ của các thành phố cổ như Pari, Colonhơ. Những cơ sở này thường trở thành kinh đô của vua hoặc trung tâm hành chính của các bá tước hoặc giám mục. Cư dân ở đây phần lớn là bà con và tôi tớ của lãnh chúa, ngoài ra còn có một số nông dân và thợ thủ công.
Đến thế kỉ XI, nền kinh tế châu Âu có một bước tiến rất quan trọng mà chủ yếu biểu hiện ở sự phát triển của thủ công nghiệp và nông nghiệp.
Trong thủ công nghiệp, nhiều ngành nghề mới đã ra đời với trình độ kĩ thuật ngày càng hoàn thiện. Đó là các nghề khai mỏ, luyện kim, chế tạo vũ khí, thuộc da, dệt len dạ, làm đồ gốm bằng bàn xoay v.v… Sự tiến bộ ấy của thủ công nghiệp đòi hỏi phải có những người thợ thủ công chuyên môn hoá, đồng thời phải biến thủ công nghiệp từ một nghề phụ của nông nghiệp thành một ngành độc lập.
Trong nông nghiệp cũng có nhiều tiến bộ như nông cụ được cải tiến, diện tích canh tác không ngừng được mở rộng, năng suất lao động được nâng cao, sản lượng và số chủng loại nông phẩm tăng nhiều. Nhờ vậy nông dân có thể có một ít nông sản thừa để đem đổi lấy các sản phẩm thủ công nghiệp. Như thế là nông dân đã cung cấp nguyên liệu và lương thực thực phẩm cho thợ thủ công, tạo điều kiện cho họ có thể hoàn toàn thoát li khỏi nông nghiệp để chuyền làm nghề nghiệp của mình. Chính sự tách rời giữa thủ công nghiệp và nông nghiệp ấy là điều kiện quan trọng dẫn đến sự ra đời của thành thị thời trung đại ở châu Âu.
Mác và Ăngghen viết : “Sự phân công lao động trong nội bộ một dân tộc gây ra trước hết là sự tách rời giữa lao động công nghiệp, thương nghiệp với lao động nông nghiệp, và do đó gây ra sự tách rời giữa thành thị và nông thôn và sự đối lập giữa lợi ích của thành thị và nông thôn.
2. Quá trình ra đời của thành thị
Sự ra đời của thành thị ở châu Âu đã diễn ra từ trong các thế kỉ X, XI tuỳ theo trình độ phát triển kinh tế và vị trí địa lí của từng vùng.
Do kĩ thuật sản xuất tiến bộ và năng suất lao động nâng cao, những người thợ thủ công ở nông thôn đã từ chỗ làm việc theo yêu cầu đặt hàng của người tiêu dùng chuyển sang chuyên sản xuất hàng hoá để đem bán ở thị trường. Để tiện cho việc tiêu thụ sản phẩm của mình và để thoát khỏi sự nô dịch của lãnh chúa, những người thợ thủ công này đã trốn khỏi nông thôn đến những nơi có điều kiện thuận lợi cho việc lao động sản xuất như gần nơi cung cấp nguyên liệu, có nhiều khách hàng mua sản phẩm của họ, tương đối an toàn v.v… Những nơi thợ thủ công đến cư trú thường là những trung tâm chính trị như kinh đô của vua, thành luỹ của lãnh chúa phong kiến, hoặc những trung tâm tôn giáo như toà giám mục, tu viện, nhà thờ… Đó là những nơi có hệ thống phòng vệ có thể bảo đảm an toàn cho tính mạng và tài sản của họ, đồng thời cũng là những địa điểm tập trung đông người như lãnh chúa, giáo sĩ, tuỳ tùng, người phục địch… Ở Tây Âu, những nơi đó thường là những thành phố cổ của Roma trước kia. Thợ thủ công còn hay tụ hội ở những nơi mới, những nơi có nhiều người thường xuyên qua lại như các giao điểm của các đường giao thông, đầu cầu, bến đò, cửa song v.v…
Lúc bấy giờ thợ thủ công cũng là kẻ bán các sản phẩm của mình, nên những nơi họ đến cư trú và sản xuất lập tức đã trở thành những trung tâm công thương nghiệp. Tiếp đó, nông dân không ngừng chạy đến những nơi này làm cho cư dân ở đây càng thêm đông đúc rồi dần dần phát triển thành những thành phố.
Ở Tây Âu, thành thị ra đời tương đối sớm ở Italia (Venexia, Giên va, Naplo, Pida, Amanphi…) và miền Nam nước Pháp (Mácxây, Áclơ, Nácbon, Mongpolie). Tại những nơi này, do kinh tế phát triển, quá trình tách rời giữa thủ công nghiệp và nông nghiệp diễn ra sớm hơn những miền khác, đồng thời ở đây còn có điều kiện trao đổi kinh tế với Bidantium và phương Đồng. Tiếp đó, các thành phố ở Bắc Pháp, Đức và các nước Tây Âu khác cũng lần lượt hình thành.
Ở Đông Âu vào thời kì này cũng đã xuất hiện nhiều thành phố công thương nghiệp như Kiếp. Nópgôrốt, Praha v.v…
Thành thị ở châu Âu lúc bấy giờ còn rất thô sơ, xung quanh thành phố có thành xây bằng đá, bằng gạch, thậm chí bằng gỗ, có hào sâu, có tháp canh, có cổng thành chắc chắn cứ đến tối thì đóng lại. Những công trình ấy dùng để bảo vệ dân cư thành phố để phòng sự tấn công của kẻ thù. Khi cư dân tăng lên, trong thành phố không còn chỗ để ở thì người ta phải sinh sống ở ngoài thành. Ở phía ngoài khu cư trú mới này, người ta lại xây dựng một vòng thành và những công trình phòng vệ mới và tình hình ấy có thể diễn lại một vài lần nữa cùng với sự tăng lên không ngừng của cư dân thành thị.
Trong thành phố, đường phố ngang dọc chằng chịt, nhưng chặt hẹp và đẩy rác rưởi, mãi đến thế kỉ XIV, XV mới biết rãi đá, ban đêm thì tối tăm vì chưa có đèn đường. Những người thợ thủ công cùng nghề thường sống tập trung ở một khu vực, do đó tên phố được gọi theo tên nghề nghiệp như phố thợ Rèn, phố thợ Mộc, phố thợ Dệt v.v… Nhà cửa tuy phần lớn làm bằng gỗ nhưng có nhiều tầng, tầng trên thường nhỏ ra ngoài mà đường phố thì hẹp, nên các tầng trên của các nhà lâu hai bên phố gần chạm vào nhau, do đó có những đường phố hầu như không bao giờ có ánh nắng. Ở trung tâm thành phố thường có chợ và toà thị chính.
Tuy thành thị là những trung tâm công thương nghiệp, cư dân thành thị chủ yếu là thợ thủ công và người buôn bán, nhưng thành thị thời kì này vẫn mang ít nhiều dấu vết của nông thôn và nông nghiệp vẫn còn có vai trò nhất định trong đời sống của thị dân. Nhiều thị dân có ruộng đất, vườn rau và bãi chăn nuôi ở ngoại thành, thậm chí ở ngay trong nội thành. Các loại gia súc nhỏ như dê, cừu, lợn thường thả ăn trong nội thành, nhất là lợn thường đến kiếm thức ăn ở các đống rác đổ bừa bãi trên các đường phố.
Do ăn ở mất vệ sinh như vậy nên thành phố thường trở thành những nơi sinh ra các loại bệnh dịch như dịch hạch, dịch tả. Đồng thời vì nhà cửa phần lớn làm bằng gỗ nên ở đây cũng hay xảy ra nạn cháy có khi thiêu huỷ cả một khu phố.
Quy mô các thành phố châu Âu lúc bấy giờ còn tương đối nhỏ. Cho đến thế kỉ XIII, Pari là thành phố quan trọng nhất châu Âu cũng chỉ mới có 100.000 dân, Luân Đôn, Milano có khoảng 50.000 người, còn phần lớn các thành phố khác thì dưới 10.000.