Hoàn cảnh lịch sử
Vào thế kỉ XI, xã hội Tây Âu có nhiều biến đổi và những thay đổi ấy đã ảnh hưởng trực tiếp đến nhiều tầng lớp khác nhau trong xã hội.
Trong các thế kỉ X, XI, giáo hội Rôma rất suy yếu và hỗn loạn. Nhưng đến cuối thế kỉ XI, qua phong trào chấn chỉnh giáo hội do tu sĩ Hindobrang (Hildebrand) thuộc tu viện Cluyni ở Pháp để xướng, giáo hội phương Tây mới đi dẫn vào thế ổn định. Sau khi thành Giáo hoàng Grégoa VII (1073–1085), ông càng tìm cách đề cao vai trò của giáo hoàng và giáo hội như nêu ra nguyên tắc giáo hội Rôma do chúa trời sáng lập, nên tuyệt đối không có sai lầm, quyền uy của giáo hoàng bao trùm cả thế giới, vị trí của giáo hoàng không những cao hơn chính quyền của các vua mà còn cao hơn hội nghị tôn giáo. Như vậy, mưu đồ của giáo hoàng là không những chỉ cắm đầu giáo hội Thiên chúa, khống chế chính quyền thế tục của các nước phương Tây mà còn muốn khuất phục cả giáo hội phương Đông dưới quyền lực của mình. Để đạt được mục đích đó, giáo hoàng cũng sẵn sàng ủng hộ việc tấn công quân sự với đế quốc Bidantium.
Đến thế kỉ XI, quá trình phong kiến hoá ở Tây Âu đã hoàn thành từ lâu. Toàn bộ ruộng đất trong xã hội đã tập trung vào tay giai cấp phong kiến và chia thành nhiều lãnh địa (fief) truyền từ đời này sang đời khác. Song các lãnh địa ấy thường chỉ truyền cho con trưởng, vì vậy những người con thứ trở thành những kị sĩ không có ruộng đất. Nhiều kị sĩ phải tìm đến các lâu đài để phục vụ các lãnh chúa phong kiến muốn thuê họ. Có một số thì tấn công các tu viện hoặc chặn đường cướp của cải của các khách buôn.
Thế kỉ XI cũng là thời kì ra đời của thành thị ở Tây Âu. Nhờ có vị trí thuận lợi, các thành thị của Italia nhất là Vênêxia đã phát triển mạnh về thưởng nghiệp và mục tiêu buôn bán của họ chủ yếu là vùng Đông Địa Trung Hải.
Trong khi đó, theo quan niệm truyền thống của đạo Kitô, Giêrudalem là đất thánh của tôn giáo này. Vì đây là nơi chúa Giêsu đã sống và mộ của chúa cũng táng ở nơi đây. Song lúc bấy giờ tình hình chính trị ở vùng này rất phức tạp. Vào đầu thế kỉ VII, Xiri và Palextin bị nước A Rập mới thành lập chinh phục. Đến cuối thế kỉ X, đế quốc Ả Rập rệu rã, vùng này lại rơi vào tay nước Calipha Ai Cập, một nước vừa tách khỏi đế quốc Ả Rập. Đến thập kỉ 70 của thế kỉ XI, người Tuốc Xengiúc lại trở thành chủ nhân của Giêrudalem. Do chính sách phân phong đất đai, nước Xengiúc chẳng bao lâu đã chia thành nhiều tiểu quốc (émirat) độc lập và đến thập kỉ 90 của thế kỉ XI, chiến tranh giữa các tiểu quốc ấy đã diễn ra liên tiếp.
Mặc dù theo đạo Hồi, người Tuốc Xengiúc cũng như người Ả Rập đều có thái độ khoan dung đối với tín đồ Kitô giáo và những người Tây Âu đến Gierudalem để hành hương. Nhưng đến cuối thế kỉ XI, do chiến tranh loạn lạc, khách hành hương không thể đi qua Tiểu Á để đến Palextin được nữa mà phải đi đường biển. Vì vậy ở Tây Âu, người ta đã phóng đại sự ngược đài của người Tuốc Xengiúc đối với tín đồ đạo Kitô, đã kích động tinh thần chống dị giáo của người Tây Âu. Đồng thời, qua lời kể của khách hành hương từ phương Đông về, vùng Đông Địa Trung Hải được mô tả thành một xứ sở hết sức sung sướng. Ở đó thành phố sầm uất, cung điện đền miếu nguy nga tráng lệ, sản phẩm quý lạ phong phú, giai cấp thống trị và tầng lớp giàu có tha hồ hưởng thụ. Những câu chuyện ấy càng làm tăng thêm sự khao khát của cải của giai cấp phong kiến Tây Âu.
Trong hoàn cảnh ấy, chính hoàng đế Bidantium đã tạo nên thời cơ thuận lợi để cho phong trào viễn chinh sang phương Đông sớm thực hiện. Vốn là, từ những năm 80 của thế kỉ XI, Bidantium liên tiếp bị nhiều kẻ thù bên ngoài tấn công từ nhiều phía, đặc biệt người Tuốc Xengiúc sau khi chiếm được vùng Tiểu Á của Bidantium đang chuẩn bị tấn công Côngxtăngtinôplơ. Trước tình hình nguy cấp ấy, năm 1990 và 1091 hoàng đế Alexiút I Comninút (1990–1118) đã cử sứ giả sang cầu cứu giáo hoàng và gửi thư yêu cầu các nước Tây Âu đưa quân sang phương Đông để chống bọn tà giáo. Vì thế, giáo hoàng và giai cấp phong kiến các nước phương Tây đã có cớ để tổ chức viễn chinh.
Như vậy, nguyên nhân thực sự của phong trào viễn chinh Thập tự là do mưu đồ xâm lược cướp bóc của toà thánh Roma và giai cấp phong kiến Tây Âu đối với vùng Địa Trung Hải, nhưng mưu đồ ấy được ngụy trang dưới chiều bài chống dị giáo, làm cho tính chất của những cuộc viễn chính này được quan niệm như là những cuộc chiến tranh tôn giáo, là “cuộc đấu tranh giữa thập giá và mặt trăng lưỡi liềm”, tức là giữa đạo Kitô và đạo Hồi.