Ảnh hưởng của quan hệ tư bản chủ nghĩa đối với xã hội phong kiến
Chủ nghĩa tư bản ra đời trong lòng chế độ phong kiến là một hiện tượng phù hợp với quy luật lịch sử. Trong thời mạt kì trung đại, chủ nghĩa tư bản đã thâm nhập vào tất cả các ngành kinh tế ở các nước Tây Âu. Song, trong buổi bình minh của mình, sự phát triển của chủ nghĩa tư bản còn có nhiều hạn chế như đang ở trong giai đoạn sản xuất bằng thủ công, số lượng sản phẩm do các công trường thủ công sản xuất đạt tỉ lệ chưa lớn lắm, trong khi đó nền sản xuất nhỏ của tiểu nông và thợ thủ công cá thể vẫn chiếm ưu thể. Đồng thời, sự phát triển của chủ nghĩa tư bản ở các nước Tây Âu cũng không đồng đều. Từ thế kỉ XIV, chủ nghĩa tư bản đã xuất hiện đầu tiên ở Italia, sau đó sang thế kỉ XV, XVI mới xuất hiện phổ biến ở các nước Tây Âu khác. Song, do những điều kiện chủ quan và khách quan như thế lực phong kiến bảo thủ còn mạnh, đất nước còn bị chia cắt trầm trọng, trung tâm mậu dịch quốc tế thay đổi v.v…, các nước Đức, Italia, Tây Ban Nha dẫn dần bị lạc hậu, trái lại các nước Neđéclan, Anh, Pháp trở thành những nước đứng hàng đầu về sự phát triển của chủ nghĩa tư bản.
Tuy mới ra đời còn có nhiều mặt non yếu, nhưng chủ nghĩa tư bản đã thể hiện rõ tính ưu việt của mình so với chế độ phong kiến và đã có ảnh hưởng mạnh mẽ đối với xã hội lúc bấy giờ.
Về kinh tế xã hội, tuy nền sản xuất tư bản chủ nghĩa chỉ mới cung cấp một bộ phận không nhỏ trong toàn bộ sản phẩm xã hội, nhưng đó là sản phẩm thuộc các lĩnh vực đặc biệt quan trọng như các loại khoáng sản, công cụ lao động phức tạp, vũ khí, tàu thuyền, len dạ v.v… đồng thời các công trường thủ công đã cung cấp phần lớn số lượng hàng hoá đem trao đổi trên thị trường. Do vậy bộ mặt kinh tế của các nước khác hẳn trước kia, những hình thức sản xuất mang tính chất phong kiến cũng ngày càng bị chủ nghĩa tư bản chi phối mạnh mẽ. Hình thức tô tiền xuất hiện từ trước càng được áp dụng một cách phổ biến, hàng ngũ thợ thủ công cá thể càng bị phân hoá và càng ngày càng bị lệ thuộc vào tư bản thương nghiệp.
Về chính trị sự ra đời của chủ nghĩa tư bản đã dẫn đến sự xuất hiện một hình thức mới của nhà nước phong kiến, đó là chế độ quân chủ chuyên chế. Vì chưa đủ khả năng giành chính quyền, giai cấp tư sản đã tích cực ủng hộ nhà vua để loại trừ các thế lực cát cứ, duy trì sự thống nhất của đất nước. đảm bảo điều kiện thuận lợi cho việc phát triển nền kinh tế tư bản chủ nghĩa.
Để đáp lại sự ủng hộ đó, nhà vua cũng thi hành những chính sách có lợi cho giai cấp tư sản như khuyến khích việc thành lập những công trường thủ công mới, ban hành chính sách thuế khoá nhằm hạn chế việc nhập khẩu hàng công nghiệp và xuất khẩu nguyên liệu, mở mang mạng lưới giao thông thuỷ bộ, đưa quân đi chiếm thuộc địa v.v… Tuy nhiên, hình thức nhà nước quân chủ chuyền chế đó chỉ là biểu hiện của sự liên minh tạm thời giữa giai cấp tư sản và vương quyền, vì chính quyền phong kiến không thể bảo đảm sự phát triển lâu dài của chủ nghĩa tư bản, bởi vậy một khi giai cấp tư sản đã đủ mạnh thì việc lật đổ chính quyền phong kiến là điều không thể tránh khỏi.
Về văn hoá tư tưởng, sự ra đời của chủ nghĩa tư bản càng gây thêm những biến động lớn lao. Đối lập với hệ tư tưởng của giai cấp phong kiến và của giáo hội Kitô kìm hãm tư tưởng tình cảm con người, một trào lưu tư tưởng mới đã ra đời, và dưới sự chỉ đạo của nó, ở Tây Âu đã diễn ra phong trào văn hoá Phục hưng và phong trào Cải cách tôn giáo. Kết quả là tư tưởng được giải phóng và nền văn hoá Tây Âu có một bước nhảy vọt, do đó càng thúc đẩy chủ nghĩa tư bản phát triển nhanh chóng.
Tóm lại, chủ nghĩa tư bản ngay từ khi mới ra đời đã tỏ ra hơn hẳn chế độ phong kiến về mọi mặt, và đã gây nên những ảnh hưởng lớn lao đối với xã hội phong kiến. Việc thay thế chế độ phong kiến chỉ còn là vấn đề thời gian.