Nguyên nhân và hoàn cảnh lịch sử của phong trào văn hóa phục hưng
Văn hoá Tây Âu dưới thời sơ và trung kì trung đại bị Giáo hội Kitô lũng loạn. Nhà thờ Kitô giáo đã tuyên truyền những tư tưởng duy tâm thần học, phản động, giam hãm tư tưởng con người trong vòng lạc hậu tối tăm. Các hoạt động văn hoá giáo dục bị trói chặt vào Giáo hội Kito, nên chỉ có trong nhà thờ, do các tăng lữ phụ trách. Người ta chỉ dạy toàn những môn học mang nội dung phản động, giáo điều, phản khoa học như thần học, triết học kinh viện… Khoa học bị coi là đầy tớ của thần học, và cùng với khoa học, các tư tưởng khoa học, duy vật chủ nghĩa bị coi như kẻ thù không đội trời chung và bị thẳng tay tiêu diệt. Trong khi đó, tầng lớp tăng lữ tự trói mình trong chủ nghĩa khổ hạnh, dù là giả dối, còn quý tộc phong kiến thì suốt ngày săn bắn, tiệc tùng, đánh nhau, không tha thiết gì với các hoạt động văn hóa, nghệ thuật.
Nhưng nền móng của chế độ phong kiến dần dần bị rạn nứt trước sự phát triển của sản xuất. Thành thị trung đại ra đời và bằng hoạt động kinh tế của mình đã dần tách khỏi nền kinh tế tự nhiên, tự cấp tự túc và tiến tới chi phối được nền kinh tế. Sinh hoạt của thành thị đã khác hẳn trước kia, làm cho hoạt động của văn học nghệ thuật dần dần phồn thịnh. Thành thị ngày càng phát triển, giai cấp tư sản ra đời, quan hệ tư bản chủ nghĩa thay thế dẫn dẫn quan hệ phong kiến. Trong tình hình đó, thế giới quan, hệ tư tưởng cũ của chế độ phong kiến trở nên lỗi thời và là trở ngại nặng nề cho sự phát triển của quan hệ tư bản chủ nghĩa. Cuộc đấu tranh để giành quyền thống trị về tư tưởng tất nhiên phải nổ ra giữa giai cấp tư sản và giai cấp phong kiến mà đại diện là tăng lữ.
Cuộc đấu tranh về tư tưởng diễn ra trên nhiều mặt, nhiều lĩnh vực khác nhau như văn học, nghệ thuật, khoa học và triết học (bao gồm cả tôn giáo), giáo dục, v.v… Cuộc đấu tranh này diễn ra thành hai phong trào lớn ở thời hậu kì trung đại, đó là phong trào Cải cách tôn giáo và phong trào Văn hoá Phục hưng.
Phong trào Văn hoá Phục hưng diễn ra trong hoàn cảnh lịch sử Tây Âu có nhiều sự kiện quan trọng. Trước hết, đó là thời kì Tây Âu có nhiều phát minh khoa học quan trọng như thuật ấn loát của Gutenbec, nghề nấu thép, nghề đúc súng đạn v.v… cũng là thời kì có những phát kiến địa lí lớn đem lại sự giàu có cho châu Âu và mở rộng phạm vi hoạt động và phát triển của khoa học. Đây cũng là thời kì những cải cách tôn giáo diễn ra mãnh liệt – một khía cạnh của cuộc đấu tranh tư tưởng giữa giai cấp tư sản và giai cấp phong kiến, đồng thời diễn ra cuộc đấu tranh sôi nổi của giai cấp nông dân chống lại sự áp bức bóc lột của lãnh chúa phong kiến và tăng lữ, làm hậu thuẫn cho giai cấp tư sản. Cũng trong thời kì này, chủ nghĩa chuyên chế đã thắng lợi ở một số nước tiên tiến nhất của châu Âu như Anh và Pháp… là chỗ dựa cho giai cấp tư sản, đồng thời chủ nghĩa dân tộc đang dần dần hình thành.
Những sự kiện trên đều có ảnh hưởng qua lại với phong trào Văn hóa Phục hưng.
Phong trào Văn hoá Phục hưng diễn ra đầu tiên ở Italia, vì ở đây từ thế kỉ XIV đã có những thành thị tự do, phát triển như những quốc gia riêng biệt như : Phirenxe, Venexia, Milanô… Ở những thành thị này, quan hệ tư bản chủ nghĩa chiếm địa vị thống trị. Sau đó, do cuộc chiến tranh Pháp – Italia, Văn hoá Phục hưng Italia truyền sang Pháp. Giai cấp tư sản Pháp đã tiếp thu văn hoá Italia và phát triển sáng tạo theo tinh thần dân tộc Pháp, đã tạo ra một nền văn hoá rực rỡ khác ở Tây Âu. Tiếp đó, phong trào Văn hoá Phục hưng truyền sang các nước khác ở Tây và Trung Âu như Hà Lan, Anh, Đức, Thụy Sĩ, Tiệp Khắc…