Kết luận chương 5: Cách mạng tư sản và phong trào công nhân Châu Âu từ 1815 đến 1848

Từ sau năm 1815, mặc dấu thế lực phong kiến được phục hồi ở Pháp, làn sóng cách mạng tư sản vẫn không ngừng lan tràn ra các nước châu Âu. Mâu thuẫn giữa sức sản xuất tư bản chủ nghĩa với quan hệ sản xuất phong kiến ngày càng gay gắt. Sự phát triển của nền kinh tế công thương nghiệp, những cuộc đấu tranh giai cấp trong xã hội đã từng bước xác lập nên thống trị của giai cấp tư sản. Nhưng phải đến những năm 50 – 60 của thế kỉ XIX thì chủ nghĩa tư bản mới giành được ưu thế trên phạm vi châu Âu và Bắc Mĩ. 

Cùng với sự ra đời và lớn mạnh của nền kinh tế tư bản chủ nghĩa, giai cấp công nhân đã xuất hiện và ngày một phát triển. Bị áp bức bóc lột tàn khốc, công nhân đứng lên đấu tranh vì quyền lợi của giai cấp mình. Những phong trào đấu tranh trong những năm 30 – 40 của thế kỉ XIX chứng tỏ rằng giai cấp công nhân đã bước lên vũ đài chính trị với tư thế của một giai cấp độc lập. Nhưng vì chưa có tổ chức vững mạnh và không được trang bị bằng lí luận khoa học, công nhân chưa thể giành được thắng lợi. Các trào lưu xã hội chủ nghĩa không tưởng không thể đáp ứng được yêu cầu của giai cấp công nhân trong cuộc đấu tranh chống chủ nghĩa tư bản. Tuy nhiên tình hình trên đã tạo điều kiện thuận lợi cho sự ra đời của chủ nghĩa Mác và dẫn đến cao trào cách mạng mới năm 1848.