Sự hình thành nhà nước A Rập
1. Tình hình bán đảo Ả Rập trước khi thành lập nhà nước
Ả Rập là một bán đảo lớn ở Tây Nam châu Á, tiếp giáp với châu Phi, nằm trên con đường nối liền các châu Âu, Á, Phi cả về đường thuỷ và đường bộ.
So với các khu vực xung quanh như Ai Cập, Lưỡng Hà, trình độ phát triển xã hội ở bán đảo Ả Rập có chậm hơn. Bán đảo Ả Rập gồm phần lớn những miền đất hoang dã, khô cằn và những cao nguyên đang biến dẫn thành sa mạc. Cư dân trên bán đảo (người Xemít) sống chủ yếu bằng nghề chăn nuôi ngựa, lạc đà, cừu.
Chỉ có vùng Yemen ở Tây Nam bán đảo – vùng được mệnh danh là “xứ A Rập hạnh phúc”, là có nguồn nước phong phú, có nhiều đất đai để canh tác nông nghiệp và trồng các loại cây nhiệt đới như chà là, cà phê. Năm trên con đường buôn bán từ Xiri, Palextin đến Ai Cập và Êtiôpia, Yêmen đóng vai trò trung gian trong việc trao đổi giữa các vùng này. Chính vì vậy, so với các vùng khác trên bán đảo, vùng Yemen là nơi sớm bước vào xã hội văn minh. Từ thế kỉ X đến thế kỉ VI tr.CN, ở vùng Yemen đã lần lượt xuất hiện nhiều nhà nước cổ đại.
Vùng Hegiazơ dọc ven bờ Hồng Hải ở phía tây của bán đảo từ xưa đã là một trong những con đường giao thông quan trọng giữa phương Đông và phương Tây, giữa Địa Trung Hải với Ấn Độ và Êtiôpia. Tại đây, từ rất sớm đã xuất hiện một số thành phố lớn, các thành phố quan trọng nhất là Mécca, Yatơríp (sau đổi là Medina), Moca. Cho tới đầu thế kỉ VII, cư dân của các thành phố này vẫn còn đang sống thành từng thị tộc, bộ lạc. Nhưng, trong các thị tộc hoặc bộ lạc đó, sự phân hoá giai cấp đã diễn ra ngày một gay gắt. Tầng lớp quý tộc bộ lạc chiếm đoạt nhiều ruộng đất, gia súc và nô lệ, áp bức nhân dân và bắt họ phải lao động cho mình. Quý tộc thị tộc, bộ lạc còn kinh doanh việc cho vay nợ mà lãi suất có khi đến 100% để bóc lột quần chúng nhân dân trong thành phố và các vùng xung quanh. Quý tộc thị tộc, bộ lạc còn có nguồn thu nhập từ những đội buôn đi qua lãnh thổ của họ và từ những đội buồn của họ đi ra nước ngoài. Tại Mecca có một ngôi đền cổ gọi là Caaba, thờ nhiều tượng thần của các bộ lạc và một tảng đá đen được coi là biểu tượng sùng bái chung của các bộ lạc. Đến mở hội vào mùa đông hàng năm. Vào những ngày hội, cư dân khắp nơi đến trẩy hội mang theo súc vật, lương thực để đổi lấy các hàng dệt, sản phẩm thủ công, vũ khí… Những ngày hội đền đồng thời là những ngày chợ phiên và qua đó quý tộc ở Mécca cũng thu được nhiều của cải và súc vật.
Ngoài Yemen và Hegiazơ, các vùng còn lại của bán đảo Ả Rập phần lớn là sa mạc và bãi cỏ, vì vậy cư dân ở những nơi này chủ yếu làm nghề chăn nuôi. Cho đến đầu thế kỉ VII, cư dân ở đây vẫn đang sống trong giai đoạn công xã nguyên thuỷ. Tuy vậy, sự phân hóa giàu nghèo trong các bộ lạc đã diễn ra khá rõ rệt. Quý tộc thị tộc, bộ lạc thường giành lấy những bãi cỏ tốt nhất và những vùng đất có thể trồng trọt được. Quý tộc thị tộc, bộ lạc có nhiều của cải, súc vật và nô lệ. Nó lệ phần lớn là tù binh bắt được trong các cuộc chiến tranh giữa các thị tộc, bộ lạc để giành bãi cỏ, nguồn nước và súc vật.
Như vậy, đến cuối thế kỉ VI, đầu thế kỉ VII, trên bán đảo Ả Rập có nơi đã thành lập nhà nước, có nơi đang đứng trước ngưỡng cửa của xã hội có giai cấp, còn nơi chậm tiến nhất, công xã nguyên thuỷ cũng đang trong quá trình tan rã.
Từ thế kỉ VII, do có vị trí quan trọng về mặt thông thương từ phương Tây sang phương Đông, A Rập đã trở thành đối tượng tranh giành nhau giữa Bidantium và Ba Tư. Cuộc chiến diễn ra liên tục hàng chục năm. Năm 572, Ba Tư chiếm được vùng Yemen ; do vậy khống chế được con đường buôn bán từ Yemen qua miền Tây A Rập đến Xiri, và kiểm soát được con đường đi lại giữa vùng Địa Trung Hải với Ấn Độ – Ba Tư, bắt buộc các đội buôn từ Ấn Độ đến Bidangxơ phải đi qua Iran, cấm đi qua ngả đường Yemen. ‘
Tình hình đó làm cho việc buôn bán ở Ả Rập sút kém hẳn xuống. Những bộ lạc trước kia làm nghề chở hàng thuê và bảo vệ các đội buôn nước ngoài buôn bán, nay không có việc làm, nên mỗi ngày một nghèo. Quý tộc ở các thành phố lớn phải giảm bớt việc buôn bán và chuyển sang kinh doanh nghề cho vay nợ lãi mà con nợ của họ chính là những thành viên của các bộ lạc bị bắn cùng hoá. Mâu thuẫn giai cấp ở Ả Rập ngày càng thêm gay gát. Để chống lại sự nổi dậy của nô lệ và dân nghèo, quý tộc ở các thị tộc, bộ lạc thấy cần phải liên kết với nhau để bảo vệ quyền lợi của chúng. Quý tộc thị tộc, bộ lạc ở A Rập còn thấy cần phải liên kết với nhau trong việc bảo vệ quyền lợi thương nghiệp nữa. Dân du mục cũng muốn phá vỡ phạm vi bộ lạc nhỏ hẹp để đi tìm những bãi cỏ mới. Vậy là, đầu thế kỉ VII, trên cả bán đảo Ả Rập không những đã có cơ sở để bước sang xã hội có giai cấp mà còn có yêu cầu liên hợp lại thành một quốc gia thống nhất.
Chính trong điều kiện lịch sử đó, đạo Hồi, một tôn giáo mới chủ trương thờ một thần, chủ trương tất cả mọi người không phân biệt bộ lạc đều là anh em đã ra đời và đóng vai trò hạt nhân trong việc thống nhất bán đảo A Rập. Quý tộc thị tộc, bộ lạc Ả Rập cũng tìm thấy ở tôn giáo mới một thủ đoạn để chinh phục nhân dân và thống nhất bộ tộc Ả Rập.
2. Quá trình thành lập nước Ả Rập
Quá trình thành lập nước Ả Rập đi liền với sự ra đời của đạo Hồi.
Trước khi đạo Hồi ra đời, biểu hiện tôn giáo của người A Rập là sùng bái các vật của tự nhiên như sao, đá, suối… và thờ các tượng thần đạt trong các ngôi đền. Ở Mécca có đền Caaba (có nghĩa là “Khối lập phương”) là đền thờ chung thờ tất cả các thần của các bộ lạc và một tảng đá đen, theo truyền thuyết là từ trên trời rơi xuống. Cư dân các bộ lạc các nơi thường đến đây hành lễ.
Khoảng năm 610, Mohamét (570 – 632) bắt đầu truyền bá đạo Hồi. Trong 12 năm đầu, Mohamét chỉ lôi cuốn được một số ít người, chủ yếu là những người họ hàng gần gũi với mình đi theo tôn giáo mới. Các quý tộc Mécca lo ngại tôn giáo mới với chủ trương chỉ thờ một thần của nó sẽ phủ nhận các thần bộ lạc, do đó sẽ làm cho Mécca mất ý nghĩa là trung tâm tôn giáo của A Rập, hàng năm số người đến hành lễ sẽ ít đi và vì thế địa vị chính trị và kinh tế của Mécca sẽ bị giảm sút. Quý tộc Mécca đứng đầu là Abu Xuphian kịch liệt chống lại đạo Hồi và hãm hại những tín đồ của tôn giáo mới này.
Môhamét và tín đồ Hồi giáo phải trốn khỏi thành Mécca, đi lên Yatơríp. Ở đây Mohamét được các tầng lớp trên của bộ lạc giúp đỡ, nên đã truyền bá rộng rãi được tôn giáo của mình. Thành phố Yatơríp từ đó đổi tên là Medina (nghĩa là Thành phố của Tiên tri). Năm 622 là một năm đáng nhớ của người Hồi giáo, gọi là năm Hegira (nghĩa là “Nam tị nạn”) và được coi là năm thứ nhất của kỉ nguyên Hồi giáo.
Nhiều cư dân ở Medina, trong đó bao gồm cả những người vốn là tín đồ Cơ đốc giáo, đã theo đạo Hồi. Cộng đồng Hồi giáo đã mạnh lên rất nhanh. Chỉ vài tháng sau khi đến Medina, dưới sự lãnh đạo của Mohamét, các tín đồ Hồi giáo đã bắt đầu tổ chức cuộc tấn công vào các đoàn súc vật chở hàng hoá của Mécca trên đường đến Xiri. Việc cướp những đoàn súc vật chở hàng hoá của Mécca đã tăng cường cơ sở tồn tại của cộng đồng Hỏi giáo ở Medina, đồng thời gây ra sự thiệt hại về kinh tế và chính trị cho giới quý tộc Coraixơ và thương nhân ở Mécca. Hậu quả của nó là uy tín của Mohamét ngày càng tăng. Một số bộ lạc du mục ở Hegiazơ trước vẫn có quan hệ hoà bình với người Coraixơ, nay chuyển sang phía Môhamét và bắt đầu đe doạ trực tiếp Mécca. Những quý tộc Coraixơ ở Mécca cảm thấy mình bị đe doạ, hai lần tổ chức tấn công chống Medina với mục đích bắt Mohamét phải đầu hàng. Sau cuộc bao vây không thành công lần thứ hai đánh “thành phố của nhà tiên tri” (chỉ thành phố Medina), năm 627, chiều hướng đi tới một thoả hiệp với cộng đồng người theo đạo Hồi ở Medina trong giới lãnh đạo thành phố Mécca tăng lên và, chính Mohamét cũng đang hướng tới một thoả hiệp như vậy.
Để thuyết phục giới quý tộc Coraixơ về những ý định hoà bình của những người ở Medina, năm 628, Mohamét đã cử tín đồ của mình thực hiện nghi lễ hành hương đến Mécca. Bằng cách đó, Mohamét đã cho những người Coraixơ thấy rằng tín đồ của tôn giáo mới không có ý định giành vai trò một trung tâm tôn giáo của Mécca. Nhưng, Mohamét đề nghị những người Mécca đưa ra khỏi đền Caaba những thần tượng và các ông thánh của những bộ lạc khác nhau.
Năm 630, Mohamét dẫn đầu một lực lượng lớn các tín đồ Hồi giáo có vũ trang đánh vào Mécca. Thực ra, đây chỉ là một sự phô trương thanh thế. Sự mua bán, đổi chác dứt khoát đã đạt được giữa Mohamét và những người đứng đầu của Mécca thông qua một cuộc đàm phán bí mật. Hai bên đi đến thoả thuận những vấn đề chủ yếu sau đây :
– Người Mécca thừa nhận Mohamét là một bậc tiên tri (tức là người sáng lập và truyền bá đạo Hồi), đồng thời là lãnh tụ chính trị của A Rập, và đồng ý theo tôn giáo mới của Mohamét. Còn Mohamét thì đồng ý duy trì như cũ thế lực của bộ lạc Coraixơ ở Mécca.
– Đền Caaba đổi thành nhà thờ chính của đạo Hồi. Các tượng thần của các bộ lạc trước kia đặt trong đó đều bỏ đi, nhưng khối đá đen thì vẫn được giữ lại và được coi là vật thể của đạo Hồi.
Đó là một sự thoả hiệp chính trị và tôn giáo. Những người giàu có ở Mecca và giới quý tộc không bị thiệt hại chút nào, ngược lại, họ đã có thể kiếm được những món lợi nhuận đáng kể. Họ đã nhanh chóng hiểu rằng việc biến Mécca thành một trung tâm của tôn giáo mới đang phát triển và lòng tin vào thánh Ala đang được truyền bá ngày càng rộng rãi không hề làm hại đến quyền lợi của mình. Hơn nữa, người Mécca với hiệu lực của thoả hiệp kí với người Medina bây giờ có thể hi vọng vào việc tăng thu nhập của mình. Trong một thành phố mà uy tín chính trị của nó đã tăng lên, đã hình thành những điều kiện tốt nhất cho việc phát triển buôn bán và nghề thủ công. Ngoài ra, tầng lớp trên trong thành phố đã có thể trông chờ vào một phần chiến lợi phẩm do quản lính của “nhà tiên tri” mang về trong khi tiến hành các cuộc chiến tranh xâm lược.
Với danh hiệu “tiên tri”, Mohamét vừa là người đứng đầu tôn giáo, vừa là người đứng đầu nhà nước mới thành lập. Các quý tộc ở Mecca và Medina, những người bạn chiến đấu của tiên tri và các quý tộc bộ lạc khác đã theo Hồi giáo hình thành nên giai cấp thống trị. Sự chinh phục xong Mécca đã thúc đẩy nhanh thêm và dễ dàng cho quá trình Hồi giáo hoa bản đảo Ả Rập. Đến năm 632 tức là năm Mohamét chết, cả bán đảo Ả Rập về cơ bản đã được thống nhất.
Sau Môhamét, người đứng đầu nhà nước và tôn giáo ở A Rập gọi là Calipha (nghĩa là Người kế thừa của tiên tri). Từ năm 632 đến năm 661, trong khoảng thời gian 30 năm, ở A Rập đã thay đổi đến 4 Calipha là : Abu Bekrơ (632 – 634), Ôma (634 – 644), Ôxman (644 – 656) và Ali (656 – 661). Các Calipha này đều là con hoặc là bạn chiến đấu của tiên tri và được giai cấp quý tộc bầu ra.
Các Calipha đã sử dụng đạo Hỏi như một thứ vũ khí tư tưởng để củng cố cơ cấu xã hội mới trong nước và thực hiện chính sách chinh phục rộng lớn ra ngoài biên giới A Rập. Ngay từ thời Calipha thứ nhất, Ả Rập đã bắt đầu xâm lược đất đai của Bidăngxơ và của Ba Tư. Năm 636, A Rập chinh phục được Xiri. Sau đó A Rập lần lượt chinh phục được Palextin (638), Ai Cập (642), Ba Tư (651). Như vậy, đến giữa thế kỉ VII, không những Ả Rập đã thống nhất được cả bán đảo, mà còn chinh phục được nhiều vùng xung quanh, đặt cơ sở cho việc Ả Rập trở thành một đế quốc hùng mạnh trong giai đoạn sau.
3. Đạo Hồi
Người sáng lập đạo Hối là Mohamét. Ông sinh vào năm 570 (có tài liệu nói ông sinh năm 571). Tuy xuất thân từ một bộ lạc có thế lực nhất ở Mécca nhưng Môhamét phải sống trong cảnh cực khổ. Mohamét mồ côi cha mẹ khi chưa đầy 6 tuổi, ông sống với người bác tên là Ali Talip, chăn dê và cừu cho ông bác đó. Khi Mohamét lớn lên, ông đi làm cho một bà thương gia giàu có goá chồng tên là Khadija. Bà rất thích người làm công trẻ tuổi và chẳng bao lâu sau, bất chấp sự khác biệt rất lớn về tuổi tác (Mohamét lúc đó 24 tuổi mà Khadija đã 40), Mohamét đã cưới Khadija làm vợ, đó là người vợ đầu tiên của nhà tiên tri. Sau cuộc hôn nhân này, Mohamét đã có một sự độc lập về kinh tế và tổ ấm gia đình. Theo truyền thuyết kể lại, Mohamét rất gắn bó với người vợ đầu tiên của mình. Về phần mình thì Khadija cũng rất trung thành với chồng, bà đã sinh được một số con, trong đó có cô gái quý là Phétima. Sau khi lấy vợ, Mohamét còn buôn bán một thời gian. Nhưng sau đó, ông bỏ nghề này, và vào khoảng năm 610, ông bắt đầu hoạt động như một nhà truyền giáo. Mohamét (có nghĩa là “đáng khen”) tự xưng là sứ giả của Ala (tức là thượng để – thần thực sự và độc nhất) tuyên truyền vận động mọi người theo Ixlam giáo (nghĩa là “thuận theo”, “phục tùng”, về sau do người Hỏi ở Trung Quốc theo tôn giáo này nên quen gọi là đạo Hồi).
Về mặt tín ngưỡng, đạo Hồi cho rằng chỉ có Ala là chúa duy nhất của vũ trụ, ngoài ra không có chúa nào khác. Chính Ala đã sáng tạo ra tất cả, trời đất vạn vật đều là của Ala. Còn Mohamét là sứ giả của Ala và là tiên tri của tín đồ.
Trong đạo Hồi, lòng tin vào thánh Ala được coi là hạt nhân, là cốt lõi, quanh đó tập hợp mọi quan niệm tôn giáo khác. Trong kinh Coran thường xuyên nhắc lại rằng thánh Ala là duy nhất, không do ai tạo ra, tồn tại vĩnh viễn. Những tín đồ Hồi giáo thành tâm đã thuộc lòng nhiều hình dung từ xứng đáng với cái tên của thánh Ala, đại loại như : “duy nhất”, “đầu tiên”, “vĩnh cửu”, “thấy mọi điều”, “biết mọi điều”, “đạt được mọi điều”, “đáng tối cao của ngày phán xử”, “nhân từ”, “có sức mạnh”, “có uy quyền”… Theo các tín đồ Hồi giáo, sở dĩ có nhiều hình dung từ như vậy để miêu tả thánh Ala là vì thánh Ala, người đã chiến thắng và chinh phục được các thần khác, cần phải tập trung trong mình toàn bộ sức mạnh và khả năng của họ. Những nguyên tắc còn lại của đạo Hồi đều xây dựng trên cơ sở uy tín của thánh Ala. Các nguyên tắc đó là : lòng tin vào thần, vào quỷ, vào tính thiêng liêng của kinh Coran, vào sứ mạng sứ giả của Mohamét. Giới tu hành đã dạy: “Nghi ngờ về sứ mạng sứ giả của Môhamét tiên tri của các tín đồ Hồi giáo – sẽ bị coi như tội nghi ngờ vào sự tồn tại của thánh Ala vậy”.
Trong quá trình hình thành, đạo Hồi đã tiếp thu nhiều yếu tố của các tôn giáo khác. Thánh Ala giữ lại nhiều nét của các thần thánh mà các bộ tộc A Rập ở phía bắc đã thờ, đó là thánh Taalia. Theo tưởng tượng của những người Ả Rập sống ở thời kì trước khi có đạo Hồi, thì thánh Taalia có nhiều nét chung với các thánh của các tôn giáo khác, chẳng hạn Ala rất giống Iakhova của đạo Do thái, giống đức Chúa Cha của đạo Thiên chúa. Mohamét cho rằng Moidơ, người sáng lập ra đạo Do Thái và đem lại cho thế gian kinh Cựu ước, và Giêsu, người sáng lập ra đạo Cơ đốc và đem lại kinh Tân ước đều là những bậc tiên tri tiền bối, nhưng Mohamét là vị tiến tri cuối cùng và vĩ đại nhất. Đạo Hỏi cũng tiếp thu cả những truyền thuyết về sáng tạo thế giới, những quan niệm về thiên đường, địa ngục, ngày phán xét cuối cùng, các quan niệm về thân linh, ma quỷ… Đạo Hỏi cũng tin tưởng linh hồn là bất tử, và sau khi chết, người ta sẽ sống lại ở kiếp khác. Nếu ai thành tâm sùng kính Ala, ăn ở hiền lành thì kiếp sau sẽ được lên thiên đường, trái lại nếu đức tin không đúng đắn, ăn ở độc ác thì kiếp sau sẽ bị đày xuống địa ngục.
Đạo Hồi không giống nhiều tôn giáo khác ở chỗ tuyệt đối không thờ tượng thần vì họ quan niệm rằng Ala toả khắp mọi nơi, không có một hình tượng nào có thể thể hiện được Ala. Bởi vậy, trong các nhà thờ Hồi giáo tuyệt nhiên không có tượng và tranh ảnh. Tường và mái vòm của nhà thờ đôi khi chỉ được trang trí bằng những dòng chữ A Rập được trích từ kinh Coran. Trong nhà thờ có một chỗ lõm khoét sâu vào tường đặt bộ kinh Coran và một số sách thánh khác. Riêng ở nhà thờ chính ở Mecca, nơi được coi là đất thánh của đạo Hồi có thờ một phiến đá đen từ xưa để lại mà thôi.
Về mặt xã hội, trong thời kì đầu, đạo Hỏi chống những tập quán của xã hội nguyên thuỷ như quan niệm hẹp hòi về thị tộc, bộ lạc, tập quán nợ máu phải trả bằng máu, báo thù có tính chất thị tộc, thờ thần tượng, đa thần giáo. Đạo Hỗi thừa nhận chế độ nô lệ, chế độ một chồng nhiều vợ, hạ thấp vai trò của phụ nữ, chủ trương bảo vệ việc buôn bán và chế độ tư hữu tài sản. Tuy vậy, đạo Hồi kêu gọi mọi người đoàn kết, không chém giết lẫn nhau, các bộ tộc Ả Rập coi nhau như anh em, họ hào phải hết sức giúp đỡ người nghèo, nhất là bà goá và trẻ mồ côi.
Đạo Hồi còn chủ trương phải phát động chiến tranh để bảo vệ và phát triển tôn giáo và tuyên truyền rằng các tín đồ muốn linh hồn được cứu vớt thì phải tích cực tham gia chiến đấu. Những kẻ tử trận được coi là những người chết vì đạo, do đó linh hồn của họ sẽ được lên thiên đường. Vợ con của những người tử nạn trong các cuộc chiến tranh sẽ được cứu giúp. Để có vũ người A Rập tham gia tích cực hơn nữa vào các cuộc chiến tranh xâm lược, đạo Hồi còn hứa hẹn với họ một phần thưởng thiết thực hơn so với sự cứu vớt về linh hồn, đó là các chiến lợi phẩm mà nguyên tắc phân chia được quy định rõ ràng : 1/5 thuộc về tiên tri, thị tộc của tiên tri và dùng để chia cho bà goá và trẻ mồ côi, còn 4/5 thì chia cho quân đội, trong đó kị binh được 3/5, bộ binh 1/5.
Về nghĩa vụ của tin đồ, đạo Hồi quy định các tín đồ phải thực hiện đầy đủ 5 bổn phận “cốt đạo” : thấm nhuần tín ngưỡng, cầu nguyện, thực hiện ăn chay, phân phát của bố thí, hành hương. Cụ thể là :
- Phải có đức tin hết sức kiên định là thừa nhận chỉ có thánh Ala, không có thánh nào khác, còn Môhamét là sứ giả của Ala và là vị tiên tri cuối cùng.
- Hàng ngày phải cầu nguyện 5 lần vào các thời điểm: sáng, trưa, chiều, tối và đêm. Ngoài ra cử đến thứ sáu hàng tuần phải đến nhà thờ làm lễ một lần.
- Mỗi năm đến tháng 9 lịch đạo Hồi (khoảng vào tháng 4 dương lịch), phải trai giới một tháng. Trong thời gian này, từ khi mặt trời mọc đến khi mặt trời lặn, tín đồ tuyệt đối không được ăn, uống, hút thuốc, vui chơi. Toàn bộ thời gian ban ngày của tín đồ là dành cho việc cầu nguyện, điểm lại các việc con người đã làm và suy nghĩ về cách chuộc tội với thánh Ala.
- Phải nộp thuế cho đạo để giúp đỡ người nghèo.
- Trong suốt đời người, nếu có khả năng phải đi hành hương đến Caaba ở Mécca một lần.
Kinh thánh của đạo Hỏi là kinh Coran (nghĩa là “đọc”) trong đó ghi lại những chủ trương về tôn giáo của Mohamét mà theo tín đồ đạo Hồi, đó là những lời nói thể hiện ý chúa, một bản tổng hợp mọi tri thức khoa học và mọi nguyên tắc pháp luật và đạo đức. Với tín đồ Hồi giáo, kinh Coran là cuốn sách thánh, vì thế không thể do một người nào sáng tạo ra, mà đã tồn tại từ trước. Bản gốc của sách do đáng Ala giữ dưới ngai vàng của Ngài. Ngài truyền từng phần một dưới dạng những lời khải thị cho sứ giả của mình là Mohamét thông qua thiên thần Gabrien. Những lời khai thị của thánh Ala sau được Môhamét truyền lại, các calipha cho sưu tầm, ghi chép lại thành cuốn kinh Coran. Trong thời Mohamét còn sống không thấy một bộ sưu tập kinh Coran nào. Những bản thảo lâu đời nhất có niên đại đều thuộc vào thế kỉ VII, tức là phải viết sau vài chục năm khi Mohamét chết (632). Sự xuất hiện của kinh Coran gắn liền với quá trình hình thành để quốc Ả Rập.
Sau khi Mohamét chết, Abu Bekrơ kế vị, Calipha đầu tiên của đế quốc A Rập, ra lệnh cho Zaib Ibn Thabit – người thư kí giỏi nhất của Môhamét, tìm kiếm những đoạn chép tay, những gì còn giữ lại trong trí nhớ của các tín đồ thân cận Mohamét, để tập hợp thành một cuốn kinh. Đến thời Calipha Ôxman việc biên soạn kinh Coran lại được tiến hành do công sức của nhiều người.
Kinh Coran chia làm 114 chương. Mỗi chương (sur) bao gồm những bài thơ (ayát). Chữ “ayát” có nghĩa là “điều lành”, “điều kì diệu”. Các chương đều khác nhau về khuôn khổ và được sắp xếp không theo thứ tự thời gian và nội dung. Nghiên cứu kinh Coran, các nhà bác học nói chung không cho nó là một mở những chuyện nhảm nhí, bịa đặt. Nó chứa đựng những tư liệu dân tộc học dù là nghèo nàn về cuộc sống, văn hoá và về phong tục tập quán của người Ả Rập. Những tập quán cổ xưa, những giai thoại về cuộc đấu tranh chống đa thần giáo, chống những tàn dư của chế độ cộng đồng gia trưởng lỗi thời… được miêu tả trong quyển sách này là rất bổ ích. Từ văn bản của kinh Coran, một di sản văn học cổ, các nhà ngôn ngữ học đã khai thác được nhiều tư liệu bổ ích cho việc nghiên cứu thành phần từ vựng và ngữ pháp của tiếng Ả Rập. Nhìn chung, kinh Coran chứa đựng rất ít từ liệu lịch sử. Trong kinh Coran có những chỉ dẫn về việc quảng cáo thương nghiệp, quan hệ gia đình, cưới xin, dẫn ra một số những quy định về đạo đức đối với người theo đạo Hồi. Nhưng chủ để chính của nó là khẳng định các nguyên tắc tôn giáo, những quy định về nghĩa vụ của các tín đồ đối với đức thánh Ala.
Trong thời kì đầu, ở A Rập chưa có sự phân biệt giữa tu sĩ và tín đồ, giữa giáo hội và tổ chức nhà nước, giữa quy chế tôn giáo và pháp luật. Đạo Hỏi trong thời gian mới ra đời có vai trò rất quan trọng trong việc xác lập quyền thống trị của giai cấp quý tộc và việc thành lập nhà nước Ả Rập thống nhất. Như vậy, khi mới ra đời, đạo Hồi là tôn giáo của giai đoạn quá độ từ xã hội nguyên thuỷ sang xã hội có giai cấp ở Ả Rập. Về sau, khi A Rập chuyển sang chế độ phong kiến, đạo Hồi cũng trở thành tôn giáo bảo vệ chế độ phong kiến, là công cụ mê hoặc quần chúng nhân dân, khiến họ phải phục tùng, nhẫn nhục và an phận. Đến giai đoạn này, tuy các Calipha vừa là người đứng đầu nhà nước vừa là thủ lĩnh tôn giáo, nhưng tầng lớp tu sĩ đã tách ra thành một tầng lớp có nhiều đặc quyền, tuy vẫn lấy giáo lí của kinh Coran làm nguyên tắc, nhưng pháp luật của nhà nước đã tách ra thành một lĩnh vực riêng. Đồng thời, thái độ của Hồi giáo đối với các tôn giáo khác đến giai đoạn này cũng có sự thay đổi. Nếu như trước kia đối với đạo Do Thái và đạo Cơ đốc, đạo Hồi còn có thái độ khoan dung thì nay tuyệt nhiên không nhân nhượng nữa. Sự bành trướng của đạo Hồi đi liền với quá trình hình thành của đế quốc Ả Rập.