Sự hình thành nhà nước Mông Cổ

1. Tình hình xã hội Mông Cổ trước khi nhà nước ra đời 

Người Mông Cổ có lẽ là hậu duệ hoặc một chi nhánh của người Hung Nổ. Cái tên gọi Mồng Gòn (Mongol) được nói đến sớm nhất trong sử sách Trung Quốc đời Đường bằng những chữ Hán khác nhau nhưng có âm tương tự. 

Thế kỉ VIII, người Mông Cổ lần lượt bị phụ thuộc người Đột Quyết và người Hỏi Hột. Đến nửa sau thế kỉ IX, họ lập thành một liên minh bộ lạc do bộ lạc Tác Ta cầm đầu. Vì vậy, trong một thời gian dài ở Mông Cổ cũng như ở nước ngoài, cái tên Tác Ta được dùng để chỉ người Mông Cổ. 

Thế kỉ XI, liên minh bộ lạc Tác Ta tan rã vì sự tấn công của nước Liêu. Sang thế kỉ XII, các bộ lạc Mông Cổ lại thường xuyên bị nước Kim tấn công. Đến thời kì này, trên thảo nguyên mênh mông bao gồm nước Mông Cổ, Nội Mông thuộc Trung Quốc và một dải ở phía nam Xibêri có nhiều bộ lạc Mông Cổ sinh sống, trong đó lớn mạnh nhất là các bộ lạc Tác Ta, Kêrait, Nai nạn, Merokit. Trừ một số ít ở vùng rừng núi phía bắc sống bằng nghề săn bắn và đánh cá, phần lớn các bộ lạc Mông Cổ đều ở đồng cỏ và làm nghề chăn nuôi gia súc mà chủ yếu là cừu, bò, ngựa. 

Lúc bấy giờ, cư dân Mông Cổ tổ chức thành những công xã du mục, trong đó súc vật là của chung, đồng thời mỗi bộ lạc đều có khu vực chăn nuôi tương đối cố định. Dần dần chế độ tư hữu ra đời, hiện tượng phân hoá tài sản phát triển. Hơn nữa, những cuộc chiến tranh giữa các bộ lạc và những tai nạn do thiên nhiên gây ra làm cho nhiều mục dân bị phá sản. Trái lại, các thủ lĩnh bộ lạc, thị tộc, qua chiến tranh đã chiếm được nhiều tù binh, súc vật và bãi cỏ. Những yếu tố ấy càng đẩy nhanh sự phân hoá giai cấp. Các thành viên của thị tộc bắt đầu chia thành hai loại : nôyan và arát. Nôyan là tầng lớp giàu có, còn arát là những người bị mất tư liệu sản xuất, nên bị biến thành những người lao động phụ thuộc. 

Trong quá trình phân hoá giai cấp ấy, các quý tộc Mông Cổ chọn một số thành viên bộ lạc lập thành một số đội thân binh gọi là nôke (nghĩa là bạn chiến hữu). Những người này được cấp một số gia đình arát và những khu vực chăn nuôi. 

Ngoài arát, trong xã hội còn có nô lệ mà nguồn gốc chủ yếu là tù binh bắt được trong các cuộc chiến tranh giữa các bộ lạc. Họ phải làm các công việc hầu hạ trong gia đình hoặc phải chăn súc vật cho chủ. 

Đến cuối thế kỉ XII đầu thế kỉ XIII, các cuộc chiến tranh giữa các bộ lạc xảy ra càng nhiều. Phản ánh tình hình ấy, Lịch sử bí mật Mông Cổ chép : 

“Bầu trời đầy sao đang quay cuồng,

Các bộ lạc đánh nhau không dứt. 

Không còn có thời giờ để ngủ, 

Đâu đâu cũng chỉ có giành giật cướp bóc. 

Cả mặt đất đang rung chuyển, 

Các bộ lạc đánh nhau không dứt. 

Không còn có thời gian để nằm yên, 

Mà chỉ có đánh nhau, chém giết…” 

Trong quá trình chiến tranh thôn tính lẫn nhau ấy, một số bộ lạc diệt vong, một số bộ lạc trở nên lớn mạnh. Đồng thời liên minh bộ lạc (ulus) lại được thành lập. Đứng đầu liên minh bộ lạc là khan (hãn) có thể lực và uy quyền tương đối lớn. Đó là bước quá độ tiến tới thành lập nhà nước Mông Cổ. 

2. Sự thành lập nhà nước Mông Cổ 

Sự thành lập nhà nước Mông Cổ thống nhất gắn liền với tên tuổi của Temusin tức là Thành Cát Tư Hãn. 

Temusin (1155 – 1227) xuất thân trong một gia đình quý tộc thị tộc, cha tên là Yexugây Batua vốn là thủ lĩnh bộ lạc Taisiút. Năm 1164 Yexugày bị bộ lạc Tác Ta đầu độc chết, vì vậy, liên minh bộ lạc Taisiút tan rã, mỗi bộ lạc đi một nơi, gia tộc Yexugây tiếp đó còn gặp nhiều hoạn nạn phải sống phiêu bạt trong cảnh nghèo khổ. 

Về sau, được sự giúp đỡ của thủ lĩnh bộ lạc Keraít và người anh em kết nghĩa từ thuở nhỏ là Jamuga, Temusin đã tập hợp lại lực lượng trước kia của mình. Trước hết, Temusin đánh bại bộ lạc Merokit, thẳng tay tàn sát cư dân của bộ lạc này. Những người phụ nữ còn lại “có thể làm vợ thì bắt về làm vợ, có thể làm nô tì thì bắt làm nô tì”. Tiếp đó, Temusin cắt đứt quan hệ với Jamuga, lôi kéo nhiều thị tộc vốn lệ thuộc Jamuga về theo mình, do đó thế lực càng thêm mạnh. 

Năm 1189, Temusin được giới quý tộc thị tộc bầu làm khan. Trong cuộc họp ấy, giới quý tộc thị tộc tuyên thệ rằng: 

“Chúng tôi lập ngài làm vua. Nếu ngài làm vua, khi có nhiều quân giặc, chúng tôi xông lên trước, nhưng hễ bắt được con gái đẹp, đàn bà và ngựa tốt thì đem về nộp ngài. Khi đi vây bắt dã thú, chúng tôi sẽ đi vây bắt trước và đem dã thú về nộp ngài. Nếu khi giao chiến, vi phạm hiệu lệnh của ngài và những lúc bình thường mà làm hỏng việc của ngài thì ngài sẽ bắt chúng tôi phải xa vợ con gia sản và đây chúng tôi đến nơi không có bóng người”. 

Tiếp đó Temusin lần lượt đánh bại các bộ lạc khác, đến năm 1205, tất cả các bộ lạc ở Mông Cổ đều phải thần phục Temusin và thế là việc thống nhất các bộ lạc Mông Cổ hoàn thành. 

Năm 1206, các thủ lĩnh bộ lạc họp đại hội (khurintai) tại một địa điểm bên bờ sông Ônón, quê hương của Temusin. Đại hội này bầu Temusin làm khan lớn nhất (đại hãn), gọi là Singhit Khan…’) tức Thành Cát Tư Hãn. Sự kiện đó đánh dấu nhà nước Mông Cổ chính thức thành lập.

Để tổ chức bộ máy hành chính vững mạnh và để thưởng công cho tầng lớp quý tộc. Thành Cát Tư Hãn đã đem khu vực chăn nuôi và mục dân phong cho họ, do đó đã tạo thành một hệ thống gọi là nôyan vạn hộ, này an thiên hộ, nôyan bách hộ. Các danh hiệu quý tộc và chức vụ ấy đều cha truyền con nối. Đơn vị hành chính nhỏ nhất là thập hộ mà người đứng đầu là chọn trong số 10 hộ ấy. 

Tổ chức hành chính này đồng thời cũng là tổ chức quân sự. Với chính sách toàn dân là lính, con trai cứ đến 15 tuổi là phải gia nhập quân đội và được biên chế vào các tổ chức nói trên. 

Như vậy, các nôyan vạn hộ, thiên hộ, bách hộ vừa là lãnh chúa, vừa là các quan hành chính địa phương, vừa là các cấp chỉ huy quân đội. Do vậy, tổ chức nhà nước Mông Cổ hỏi ấy là sự kết hợp làm một giữa chính trị và quân sự.

Ngoài các đội quân của vạn hộ, thiên hộ, bách hộ ra, Thành Cát Tư Hãn còn tổ chức một đội quân tiên phong gồm 1.000 dũng sĩ và một đội cận vệ gồm những trai tráng khoẻ mạnh, giỏi võ nghệ và hết sức trung thành. 

Thành Cát Tư Hãn còn thành lập một cơ quan tư pháp và ban bố một bộ luật để bảo vệ nền thống trị của giai cấp quý tộc và làm căn cứ để ràng buộc và trừng phạt nhân dân. 

Mông Cổ lúc bấy giờ vốn chưa có chữ. Khi hàng phục được bộ lạc Naiman, Thành Cát Tư Hãn bắt được một người Duy Ngô Nhĩ rồi sai người này dùng chữ cái Duy Ngô Nhĩ phiên âm tiếng Mông Cổ để dạy cho con em quý tộc. Tuy vậy, bản thân Thành Cát Tư Hãn không biết chữ. 

Sau khi thành lập nhà nước, người Mông Cổ đã tiến thẳng từ xã hội thị tộc lên xã hội phong kiến. Song chế độ phong kiến ở Mông Cổ có một đặc điểm là không phải dựa trên cơ sở kinh tế nông nghiệp mà xây dựng trên nền kinh tế chăn nuôi, bởi vậy đối tượng bóc lột chủ yếu không phải là nông dân mà là mục dân. Mục dân bị gắn liền với đất đai của chủ, không được tự tiện dời từ nơi này sang nơi khác, nếu vi phạm sẽ bị xử tử. Tuy quan hệ phong kiến giữ địa vị chủ đạo, nhưng trong quá trình chiến tranh thống nhất Mông Cổ, số cư dân bị biến thành nô lệ rất nhiều, vì vậy quan hệ nô lệ vẫn tồn tại ở mức độ đáng kể, đồng thời tàn dư của chế độ thị tộc vẫn còn giữ lại khá nhiều.