Ấn Độ từ thế kỉ XVI đến thế kỉ XVII
1. Quốc gia Đại Môgôn ở Ấn Độ
Nhân khi Ấn Độ rồi ren, suy yếu, vào năm 1525, Babua, một quý tộc ở vùng Trung Á, dẫn 12.000 quân gồm những người Tuốc, người Tát gích và người Ápganixtan, xâm lược Ấn Độ. Năm 1526, Babua đã đánh bại được Xuntan Ibørakhin ở Panipát, chiếm được Đeli và sau đó lại đánh bại được liên quan của các vương hầu Rátgiơputan ở Xíchri, đặt nền móng cho đế quốc Mogon’’} trên đất Ấn Độ.
Nhưng Babua chỉ ở ngôi được 4 năm. Vào năm 1530, Babua chết. Trước đó, ông đã chia những đất đai chiếm được cho các con trai của mình. Con trai cả của ông là Humayun được chia phần chủ yếu của Ấn Độ. Nhưng mỗi người con của Babua đều muốn tự xem mình là những tiểu vương độc lập. chứ không chịu làm chư hầu của Humayun, do vậy khi Babua chết, cuộc nội chiến tương tàn giữa những người con của Babua đã nổ ra. Lợi dụng sự chia rẽ đó, Séckhan, một lãnh chúa ở vùng Bengan và Biha đã đánh bại được Humayun trong hai trận kịch chiến và lên ngôi vua với tư cách là người nắm quyền cai trị toàn bộ Ấn Độ (1539 – 1545), Humayun phải chạy tron sang Iran.
Sau 12 năm lang thang cực khổ, Humayun tập hợp được một đạo quân người Iran, rồi trở về Ấn Độ, chiếm Đeli, khôi phục lại được ngai vàng. Năm 1556, Humayun chết, để lại ngai vàng cho người con trai duy nhất mà ông đặt tên là Mohamét, nhưng lịch sử Ấn Độ thường gọi là Ácba. Khi lên ngôi, Ácba mới chỉ 13 tuổi. Lúc đó, giang sơn của Ácba còn rất hẹp, chỉ gồm Pengiáp, Agra và Đeli. Ông đã tận lực mở rộng đất đai bằng các cuộc chiến tranh chinh phục. Sau nhiều chiến dịch tàn khốc, Ácba chiếm được gần như toàn bộ Ấn Độ trừ các tiểu quốc ở Mèoa. Sau đó ông bắt tay vào việc tổ chức lại đế quốc của mình bằng việc thực hiện một loạt những cải cách quan trọng.
Về chính trị, để củng cố chế độ trung ương tập quyền Ácba đã đích thân bổ nhiệm mọi quan lại lớn nhỏ từ trung ương tới địa phương, kể cả những địa phương hẻo lánh nhất. Giúp việc ông có bốn quan cận thần : Tể tướng (Vakir), Bộ trưởng tài chính (Vazir), Triều trưởng (Bakshi) và Giáo trưởng (Sadr) làm chủ Hồi giáo ở Ấn Độ. Chỗ dựa của ông là lực lượng quân đội người Hồi giáo, nhưng cho rút bớt đi và chỉ còn giữ lại một đạo quân thường trực gồm 25.000 người. Khi cần thiết thì tuyển mộ thêm quan ở các tỉnh. Ông cho sửa đổi lại luật pháp trên cơ sở tham khảo tập quán Hồi giáo và luật Manu cổ truyền của Ấn Độ, đồng thời cho thi hành luật pháp rất nghiêm minh. Ácba nắm trong tay mình cả ba quyền : lập pháp, hành pháp và tư pháp. Khi mới lên ngôi, ông cho sử dụng những hình pháp chặt tay, chặt chân. Về cuối đời, ông ban hành những hình phạt nhẹ hơn.
Trên cơ sở ổn định về chính trị, Ácba tiến hành những cải cách kinh tế, xã hội.
Về kinh tế, sự quan tâm hàng đầu của Ácha là cải cách chế độ thuế ruộng đất. Một quy chế mới về thu thuế đất được ban hành dựa trên cơ sở đo đạc một cách cẩn thận ruộng đất. Thuế được tính bằng từ 1/6 đến 1/3 số hoa lợi thu hoạch được. Sau đó khoảng năm 1574 – 1575, Ácba thay chế độ thuế hiện vật thành thuế tiền, bằng cách lấy giá nông phẩm bình quân ở các vùng khác nhau trong nước với thời hạn 10 năm. Chính sách này ít nhiều thúc đẩy sự phát triển của nền kinh tế hàng hoá. Tuy nhiên, để có tiền nộp thuế, sau khi thu hoạch xong, nông dân phải lập tức mang sản phẩm đi bán. Tình trạng đó làm cho giá cả nông sản bị hạ thấp. Nhiều nông dân phải bán hết sản vật mà vẫn không đủ tiền nộp thuế. Họ buộc phải vay nặng lãi và rơi vào cảnh nợ nần. Ácba đã phải nhiều lần, vào những năm 1585, 1586, 1588 và 1590, hạ mức thuế ruộng đất từ 10% đến 20%, đồng thời bãi bỏ chế độ bao thầu thuế ruộng đất và ngăn cấm những hành vi lạm dụng chức quyền để áp bức và bóc lột nhân dân của bọn quan lại cấp dưới. Nhờ đó, đời sống của nhân dân đỡ khổ cực hơn.
Về xã hội. Ácba đã ban hành các đạo luật cấm tảo hôn, cấm bắt các quả phụ phải hoả thiêu theo chồng khi chồng chết, đồng thời cho phép các quả phụ được tái giá. Ông cũng cho bãi bỏ chế độ nô lệ, cấm giết các sinh vật để tế thần, bãi bỏ thuế thân mà các vua Hồi giáo trước đây đánh vào những người Ấn không theo Hồi giáo.
Với ý định củng cố đế quốc của mình và đoàn kết được một cách rộng rãi giai cấp phong kiến, Ácba đã áp dụng nhiều biện pháp để lôi kéo những lãnh chúa phong kiến theo Ấn giáo. Vì thế ông đã thi hành chính sách ổn hoà tôn giáo. Năm 1582, ông để ra một tín ngưỡng mới là thờ kính thượng đế, mà thực chất là sự kết hợp một cách chiết trung những yếu tố của Ấn Độ giáo, Hồi giáo và Jaina giáo. Theo chủ định của ông, tín ngưỡng mới đó phải liên kết được tất cả các thần dân trong nước và điều hoà được những sự bất đồng về tôn giáo của họ. Cho nên chủ trương của tín ngưỡng mới này chỉ là làm việc từ thiện, bố thí cho người nghèo, thương yêu loài vật…. chứ không cần có nhà thờ, không cần cầu nguyện và cũng không bắt buộc người khác phải tin theo.
Chính sách đoàn kết tôn giáo của Ácba, rõ ràng, đã phá bỏ đặc quyền của Hồi giáo, vốn trước đây được các vương triều Hồi giáo coi là chính thống. Vì thế, nó không được các lãnh chúa phong kiến Hồi giáo và các tăng lữ Hồi giáo ủng hộ. Năm 1580 – 1582 các chúa phong kiến Hồi giáo lớn nhất nổi dậy chống Ácba. Để đàn áp cuộc nổi dậy đó, Ácba đã dựa vào sự giúp đỡ của các chúa phong kiến theo Ấn giáo.
Tuy có những hạn chế nhất định, nhưng nhìn chung, những cải cách của Ácba đã có những tác dụng đáng kể. Nó làm cho những mâu thuẫn phức tạp về xã hội và tôn giáo được giảm đi rất nhiều, chính quyền trung ương và sự thống nhất về chính trị được củng cố, kinh tế được phát triển. Nhờ những cải cách đó mà Ấn Độ, dưới thời Ácba cai trị, đạt được sự phồn vinh nhất trong thời đại Môgôn. Kinh đô Agra của Ácba là một thành luỹ to lớn và danh tiếng. Trong thành có 500 toà nhà, lâu đài mà người đương thời cho là đẹp nhất thế giới.
Sau khi Ácba chết (1605), con trai ông là Jahanjia lên nổi ngôi, chẳng những là một người rất đỗi tầm thường mà còn xa hoa, đổi truy nữa. Chính vì vậy, dưới thời cai trị của Jahanjia (1605 – 1627), đế quốc Mogòn bắt đầu lâm vào tình trạng không ổn định và bị chia rẽ. Ở trong hoàng cung thì nổ ra những cuộc nổi loạn của các con Jahanjia nhằm cướp ngôi vua. Bên ngoài là sự nổi dậy không ngừng của các lãnh chúa phong kiến nhằm chống lại chính quyền trung ương và đòi phân chia quyền lực. Trong khi đó quân đội của nhà vua ngày càng trở nên suy yếu, nên không thể tăng cường sức mạnh của chính quyền trung ương bằng con đường xâm chiếm đất đai mới hay trấn áp nữa. Nhà nước đã tăng cường thêm việc bóc lột nông dân, khiến cho đời sống nông dân trở nên điêu đứng.
Năm 1627 Jahanjia chết, một trong những người con của ông là Sajahan đã giết hết các em để chiếm ngôi và để khỏi phải lo hậu loạn. Trong thời kì cai trị của mình (1627 – 1658), Sajahan cũng cuồng bạo và vô độ như cha. Ông tận hưởng cuộc sống xa hoa và nhiều năm tiến hành chiến tranh chỉnh phục vùng Đêcăng để mở rộng lãnh thổ. Năm 1635 Sajahan chiếm Amétnaga, năm 1636 Goncôndơ và Bitgiapua trở thành các nước chư hầu của ông và đến năm 1656 – 1657, các nước này phải nhượng cho đế quốc Môgôn một phần lãnh thổ. Sajahan cũng nhiều lần tiến công nước Iran ở phía bắc và chiếm được trong một thời gian các vùng Bankhơ, Bandakhơsan và Candaga của nước này. Những cuộc chiến tranh chinh phục liên tiếp của Sajahan đã làm cho cương giới của đế quốc Môgôn dưới thời trị vì của ông trở nên rộng lớn nhất.
Tuy nhiên, chiến tranh đã làm cho sản xuất bị đình đốn, ruộng đồng bị bỏ hoang, các công trình thuỷ lợi không được thường xuyên sửa chữa. Nhân dân phải chịu cảnh thuế khoá nặng nề nên vô cùng cực khổ. Nạn đói thường xuyên xảy ra. Đặc biệt, khoảng những năm 1630 – 1632, nạn đói tàn phá nhiều vùng ở Đứcăng và Gútgiarát, là những nơi trước kia hết sức phì nhiêu. Cùng với nạn đói là nạn dịch hạch lan tràn, khiến cho rất nhiều người bị chết, thầy vứt đầy đường, đầy chợ. Những mâu thuẫn xã hội, kể cả những mâu thuẫn trong nội bộ giai cấp thống trị và mâu thuẫn tôn giáo, cũng trở nên hết sức gay gắt.
Tình trạng trên chứng tỏ rằng, thời Sajahan, quá trình suy yếu bên trong của đế quốc Môgôn đã diễn ra. Đến cuối đời Sajahan, tình trạng chém giết lẫn nhau để đoạt ngôi lại tái diễn. Cuối cùng, một trong những người con của ông là Ôrăngzép đã giành được thắng lợi. Tuy nhiên, từ thời Orăngzép (1658 – 1707) trở về sau, đế quốc Mogôn tiếp tục diễn ra quá trình ngày càng suy yếu, để đến cuối thế kỉ XVII, đế quốc Môgôn bị suy vong.
2. Kinh tế, xã hội của Ấn Độ trong các thế kỉ XVI-XVII
Việc liên hiệp phần lớn nước Ấn Độ thành một cường quốc của người Môgôn và sự tập trung hoá ở mức nhất định của nhà nước trong việc điều hành đất nước, xếp đặt thuế khoá địa tô, đã tạo những điều kiện cho việc nâng cao ít nhiều nền kinh tế của Ấn Độ.
Trong nông nghiệp, ngoài việc đẩy mạnh trồng các loại cây lương thực, người ta còn tăng thêm việc gieo trồng các loại cây đòi hỏi tốn nhiều công sức như : chàm (indigo), sơn, mía, hồ tiêu… để đem bán. Cũng theo hướng đó, các nghề thủ công trong gia đình của nông dân, mà trước hết là nghề dệt vải bông từ lâu đã nổi tiếng ở Ấn Độ, cũng được phát triển. Nhưng để tiến hành sản xuất được, nông dân thường phải vay tiền của các lãnh chúa phong kiến và trở thành những người bị lệ thuộc hoàn toàn vào chủ nợ.
Thủ công nghiệp Ấn Độ trong các thế kỉ XVI – XVII khá phát triển và thường gắn chặt với các thành phố, nhất là những thành phố xây dựng ở những nơi hành lễ và những thành phố hải cảng. Beranét là một trong những thành phố hàng năm có nhiều những cuộc hành lễ nhất. Tại đây và tại những thành phố tương tự, rất phát triển các nghề thủ công sản xuất các vật dụng thờ cúng và các vật dụng cần thiết để bán cho các thương gia và các tín đồ kéo về dầy đặc trên các đường phố trong những ngày hội tôn giáo. Còn ở những thành phố hải cảng thường có một nghề thủ công riêng phát triển, song thương mại mới là hoạt động kinh tế chính của những thành phố này. Do vậy, cư dân chủ yếu ở đây là các thương nhân và thuỷ thủ.
Một số thành phố trở thành những trung tâm thương mại thực sự, với nhiều vùng ngoại ô thủ công nghiệp rộng lớn. Không ít những dinh cơ của các lãnh chúa phong kiến hoặc những cơ sở tôn giáo cũng hình thành xung quanh nó những vùng thủ công nghiệp tương tự, với rất nhiều các nghề thủ công khác nhau. Sản xuất thủ công nghiệp ở đây trước hết là để phục vụ cho nhu cầu của chúa phong kiến hoặc tôn giáo, sau nữa là để trao đổi với bên ngoài.
Tuy thủ công nghiệp phát triển, nhưng địa vị của người thợ thủ công rất thấp kém. Họ không được tổ chức thành những xưởng thợ mà tổ chức thành đẳng cấp. Khác với xưởng thợ, đẳng cấp thợ thủ công là một tổ chức hầu như không có nhiệm vụ bảo vệ người thợ, còn trong sản xuất, người thợ thủ công buộc phải sử dụng các phương thức và công cụ lao động thô sơ, vốn được xem là truyền thống từ xưa để lại và không thể thay đổi được.
Điểm mới trong sự phát triển của kinh tế, xã hội Ấn Độ thế kỉ XVI− XVII là sự xuất hiện của những mối quan hệ tiền tệ hàng hoá, mặc dù quá trình đó diễn ra rất chậm. Nó được biểu hiện ở sự củng cố và phát triển những mối quan hệ giữa các vùng kinh tế khác nhau. Sống Hàng trở thành đường giao thông chủ yếu để vận chuyển hàng hoá, nối liền giữa vùng Bengan và vùng Tây Bắc Ấn Độ. Theo sông Hằng, người ta chuyên chở thóc, đại mạch, đường, vải bông, lụa, tơ, các loại đá quý, sơn, chàm… từ Bengan lên vùng Tây Bắc Ấn, rồi lại từ Tây Bắc Ấn người ta chở về Bengan các thứ : muối, lấy được ở Rátgiơ, khăn quàng nổi tiếng của vùng Casơmia, ngựa của vùng Apganixtan và Trung Á, vũ khí, áo giáp và khiên của Laxo và Đeli. Nếu như các loại tơ, vải đắt tiền, vũ khí và ngựa giống quý được đưa từ xa đến để thoả mãn nhu cầu của các chúa phong kiến, thì lúa mạch, thóc, đường là nhằm vào nhu cầu của các thị dân bình thường ở những thành phố. Vùng Gútgiarát, nhờ có vị trí đặc biệt thuận lợi là nằm giữa các đường giao thông thuỷ bộ, đã trở thành trung tâm và đầu mối của những quan hệ kinh tế với các vùng lân cận của Ấn Độ. Gútgiarát mua thóc từ Makharaxtơra, Manva và bán đến đó các sản phẩm thủ công nghiệp của mình.
Như vậy, vào thế kỉ XVI – XVII, tuy thị trường chung toàn Ấn Độ chưa hình thành, nhưng thị trường từng vùng, từng địa phương đã xuất hiện. Đó là kết quả của sự phát triển của nền sản xuất hàng hoá nhỏ, của sự gia tăng các thành phố trung tâm công thương nghiệp và của sự phát triển những mối liên hệ kinh tế giữa các khu vực khác nhau của đế quốc Môgôn. Tuy nhiên, vào hồi ấy, các quá trình nói trên không đưa tới những thay đổi lớn trong lối sống của người nông dân và thợ thủ công, hoặc dẫn tới sự phát triển rõ rệt về kĩ thuật. Chế độ phong kiến thực tế đã gắn chặt nông dân vào ruộng đất của họ và tính chất đẳng cấp của nghề thủ công đã ngăn cản sự tự do lựa chọn nghề nghiệp, hoặc thay đổi những kĩ năng và công cụ lao động đã có từ ngàn xưa.
Nhưng sự phát triển của nền sản xuất hàng hoá nhỏ đã có tác động quan trọng đến xã hội. Nó làm cho sự phân hoá giai cấp, đẳng cấp ở Ấn Độ trong thời Môgôn càng thêm sâu sắc, trong đó phần lớn nhân dân lao động bị rơi xuống đẳng cấp thấp kém. Chính vì vậy, nhiều cuộc đấu tranh của nhân dân đã nổ ra. Vào thế kỉ XVI, đã hình thành 3 phong trào đấu tranh rất lớn của nhân dân : phong trào Bơkhácti, phong trào Makhodixtơ và phong trào Rousanít. Cả ba phong trào này đều diễn ra dưới hình thức tôn giáo, nhưng thực chất là chống phong kiến và chống sự phân biệt đẳng cấp. Các phong trào đấu tranh nói trên đều kéo dài hàng mấy thế kỉ, thu hút nhiều tầng lớp cư dân, và dần dẫn từ chỗ truyền bá khuynh hướng bè phái chuyển sang đấu tranh vũ trang chống lại giai cấp thống trị, đòi sự “công bằng”.
Phong trào Bơkhắcti (lòng trung thành với thượng đế) là phong trào của những người thị dân theo Ấn Độ giáo, chủ trương sự hoà hợp về tôn giáo của mọi người Ấn Độ, sự bình đẳng của mọi người trước Thượng đế. Phong trào này cũng chủ trương đấu tranh chống lại tình trạng bất bình đẳng về đảng cấp, và để ra nguyên tắc đánh giá con người theo phẩm cách, chứ không phải theo đẳng cấp. Theo nguyên tác đánh giá này thì, một người trung thực theo đúng đạo lí, dù thuộc đẳng cấp thấp, vẫn được thừa nhận là cao quý hơn một người ở đẳng cấp cao không trung thực và không theo đúng đạo lí.
Trong hoàn cảnh lịch sử lúc đó, phong trào Bokhắcti là một phong trào tiến bộ, vì nó tự đặt cho mình nhiệm vụ thủ tiêu những hàng rào ngăn cách các đẳng cấp, vốn đã chia rẽ cư dân Ấn Độ thành nhiều nhóm nhỏ cách biệt với nhau. Về thực chất phong trào Bơkhắcti đã chủ trương cải cách xã hội một cách hoà bình. Vào thế kỉ XVII, phong trào đó mới phát triển thành một cuộc đấu tranh vũ trang chống lại giai cấp thống trị phong kiến.
Khác với phong trào Bơkhắctỉ, phong trào Makhơdixtơ là phong trào của những người theo Hồi giáo. Nó cũng chủ trương một sự bình đẳng của mọi người trước thần thánh và chống lại sự phân biệt đẳng cấp và đặc quyền của quý tộc. Cơ sở tư tưởng của phong trào này là lòng tin vào “nhà cầm quyền công minh”, tức là đấng cứu thế, mà theo họ, nếu đấng cứu thế đó trị vì thì một trật tự công bằng sẽ được thiết lập.
Phong trào Rousanít (thế giới) hình thành vào thế kỉ XVI, và chịu ảnh hưởng sâu sắc về mặt tư tưởng của hai phong trào trên. Điểm khác của phong trào Rousanít là ở chỗ, nó tập hợp lực lượng chủ yếu là những người nông dân bình thường để đấu tranh đòi sự bình đẳng và chống lại sự tăng cường bóc lột của bọn phong kiến. Phong trào này phát triển thành một cuộc khởi nghĩa ở vùng Tây Bắc Ấn Độ. Trong quá trình khởi nghĩa, những người Rousanít đã chiếm được một số cơ sở của bọn phong kiến, cắt đứt những đường giao thông thương mại chuyên chở bằng gia súc giữa Ấn Độ với Trung Á và Iran và làm suy yếu chính quyền phong kiến.
Những phong trào đấu tranh của quần chúng nhân dân, rõ ràng đã đe doạ trực tiếp và làm thiệt hại tới quyền lợi của nhà nước thống trị và bọn phong kiến. Do vậy, chính quyền phong kiến đã cử những đạo quân lớn đàn ấp các phong trào. Rất nhiều người tham gia các phong trào đấu tranh bị giết và hầu hết những lãnh tụ phong trào bị hành hình một cách dã man. Cuối cùng, các phong trào đấu tranh đó đều thất bại.
3. Sự xâm nhập của thực dân phương Tây
Là nước có nhiều hương liệu, gia vị, lại nổi tiếng với nhiều mặt hàng thủ công truyền thống, Ấn Độ đã từ lâu thu hút sự chú ý của phương Tây. Đến cuối thế kỉ XV, một số nước phương Tây tiến hành những cuộc thám hiểm để tìm con đường biển sang Ấn Độ.
Năm 1498, đoàn thám hiểm Bồ Đào Nha do Vaxcô đơ Gama dẫn đầu đã đến được Calicút, hồi ấy là một thương cảng sầm uất của Ấn Độ. Từ đó, Bồ Đào Nha tìm mọi cách để xâm nhập vào đất nước này. Họ dùng vũ lực để buộc các vương công Ấn Độ phải mở cửa buôn bán với họ, rồi lần lượt, trong mấy chục năm dấu của thế kỉ XVI, chiếm các cứ điểm ở ven biển Ấn Độ để thiết lập các thương điểm của mình, như : Calicút, Cochin (năm 1505), Goa (năm 1510), Colombo (năm 1518), Negapatam (năm 1519), Địu, Đaman (năm 1535) và Khugli (năm 1537).
Ngoài những cứ điểm ven biển trên, Bồ Đào Nha không đủ lực lượng để mở rộng thêm nữa lãnh thổ chiếm đóng của họ ở Ấn Độ. Nhưng bằng chính sách chia rẽ, mua chuộc các tiểu vương địa phương, người Bồ đã cướp đoạt, hay bất cống nạp hoặc mua rẻ hàng hoá của Ấn Độ chở về nước, nhờ đó mà thu được những món lợi khổng lồ.
Tuy nhiên, lợi nhuận mà Bồ Đào Nha thu được đều lọt vào tay bọn phong kiến quý tộc Bồ Đào Nha. Nó không được sử dụng để phát triển công thương nghiệp trong nước mà chỉ để phục vụ cho sự ăn chơi xa xỉ của bọn phong kiến quý tộc, nên của cải nhanh chóng chuyển sang tay giai cấp tư sản các nước phát triển hơn lúc bấy giờ như Hà Lan, Anh, Pháp… Cuối thế kỉ XVI, Bồ Đào Nha trở nên suy yếu và bị Hà Lan đánh bại vào năm 1988. Từ đó Hà Lan chiếm phần lớn các thuộc địa của Bồ Đào Nha ở Ấn Độ.
Tuy xâm nhập vào Ấn Độ muộn hơn Bồ Đào Nha, nhưng để tập trung việc buôn bán vào một tổ chức cổ định và để cạnh tranh buôn bán với các nước khác, vào năm 1602, các công ti buôn bán của Hà Lan tại Ấn Độ, đã kí hợp đồng thành lập Công ti Đông Ấn Độ. Công tỉ này được Chính phủ Hà Lan cho hưởng nhiều đặc quyền như : miễn thuế nhập khẩu vào Hà Lan, hàng hoá xuất khẩu sang Ấn Độ chỉ phải nộp thuế 3%, được quyền đúc tiền, mở hiệu buồn, tổ chức quân đội, quyền tuyên chiến, giảng hoà, kí điều ước… nghĩa là có toàn quyền về kinh tế, quân sự và hành chính đối với nhân viên của công ti và thuộc địa.
Để cạnh tranh với Bồ Đào Nha, công tỉ Đông Ấn Hà Lan đã mua chuộc các vương công Ấn Độ để dựa vào sự giúp đỡ của họ. Do vậy, đến giữa thế kỉ XVII, Hà Lan đã cướp được của Bồ Đào Nha nhiều cứ điểm buôn bán nữa. Nguồn lợi ở Ấn Độ dẫn dân chuyển sang tay người Hà Lan. Trong khi đó người Bồ Đào Nha chỉ còn lại 3 cứ điểm buôn bán là: Goa, Địu và Đaman mà thôi.
Đồng thời với người Hà Lan, người Anh cũng xâm nhập Ấn Độ từ cuối thế kỉ XVI. Công ti Đông Ấn của Anh thành lập vào năm 1600 với mục đích mua rẻ tại chỗ những thổ sản của Ấn Độ và các xứ lân cận và đem về bán với giá đất ở châu Âu. Tuy thành lập sớm hơn, nhưng thời kì đầu, so với Hà Lan, công ti Đông Ấn của Anh đều kém hơn về mọi phương diện. Nhưng nhờ khôn khéo mua chuộc các vương công và giai cấp phong kiến Ấn Độ, và bằng nhiều thủ đoạn xảo quyệt, công tỉ Đông Ấn của Anh dẫn dần mạnh lên và ngày càng có ưu thế ở Ấn Độ. Năm 1686, công tỉ của Anh tuyên bố sẽ lập một đế quốc Anh mênh mông, trường cửu trên những cơ sở vững vàng. Để đạt được mục đích đó, họ đã lập nhiều hiệu buôn ở Madrat, Cancútta, Xurát, Bengan và Bombay, rồi cũng xây đắp thành luỹ, đưa quân đội tới, cũng gây chiến và bắt các tiểu vương phải nộp thuế cho họ. Nếu những tiểu vương nào không đóng đủ thuế thì họ mang quân đến đánh chiếm, và bắt dân ở đó phải nộp thuế điền thổ tới 1/2 hoa lợi và rất nhiều thứ thuế khác. Chính sách tàn nhẫn đó của công ti Đông Ấn của Anh đã làm cho dân Ấn Độ, nhất là ở phía đông bắc, nghèo đói quá đỗi. Phần lớn dẫn chúng ở những vùng người Anh chiếm đóng chịu không nổi phải bỏ nhà, bỏ cửa dắt díu nhau đi nơi khác. Những kẻ ở lại thì phải đợ con để có tiền nộp thuế.
Trong khi đó, giai cấp phong kiến Ấn Độ không những không chống lại, mà còn vì lợi ích cục bộ của mình, đã câu kết, nâng đỡ và tiếp tay cho kẻ xâm lược, như cho phép công tỉ của Anh được lập các sở thương vụ và các hiệu buôn ở những thành phố lớn, được miễn thuế hàng hoá… Nhiều vương công còn nhờ công tỉ của Anh dùng vũ lực can thiệp vào những công việc nội bộ, hoặc giúp đánh đuổi người Bồ Đào Nha. Chính vì thế, công tỉ của Anh đã nhanh chóng mở rộng phạm vi thế lực của mình trên toàn Ấn Độ.
Vào đầu thế kỉ XVII, thực dân Pháp cũng xâm nhập vào Ấn Độ. Công tỉ Đông Ấn Độ của Pháp được thành lập vào năm 1604, nhưng mãi tới năm 1674 Pháp mới chiếm được thành phố Pondiseri và thành lập được Sở thương vụ ở đây. Sau đó Pháp lại chiếm được Sandécnago.
Như vậy, từ cuối thế kỉ XVI trở đi, Ấn Độ trở thành nơi tranh chấp quyết liệt của bọn thực dân phương Tây. Chúng ra sức bòn rút sức người và cướp đoạt tài nguyên thiên nhiên của Ấn Độ, làm cho đất nước này vốn đã suy yếu vì chia rẽ càng trở nên kiệt quệ. Trong cuộc cạnh tranh đó, nước Anh ngày càng có ưu thế hơn. Đến giữa thế kỉ XVIII, sau “Cuộc chiến tranh 7 năm” (1756 – 1763) ở châu Âu, thực dân Anh đã giành được địa vị thống trị chủ yếu ở Ấn Độ.