Văn hóa Ấn Độ
Vốn có một nền văn hoá phát triển lâu đời, sang thời trung đại, Ấn Độ tiếp tục đạt được những thành tựu văn hoá rực rỡ trên nhiều lĩnh vực.
Về văn học, thời Gúpta, tiếng Sanxcrít rất được đề cao và trở thành một thứ “thế giới ngữ” cho tất cả các nhà trí thức Ấn Độ. Văn học Sănxcrít, do vậy, cũng đạt đến mức độ cực thịnh. Vào thời kì này, người ta viết hoàn chỉnh bằng tiếng Sanxerít các anh hùng ca Mahabarata và Ramayana, đồng thời ghi những pho sách cổ nhất về các lĩnh vực trí thức khác nhau của Ấn Độ.
Nhà văn xuất sắc nhất thời Gúpta là Calidaxa, sống vào thế kỉ V. Ông vừa là một kịch gia, vừa là một nhà sáng tác anh hùng ca, lại vừa là một nhà thơ trữ tình nổi tiếng. Trường ca Mêgaduta (Sứ mây) của ông là một bài thơ trữ tình mẫu mực. Nhưng những vở kịch do ông sáng tác còn được giữ lại đến nay mới được coi là thành công nhất của ông, trong đó tiêu biểu là vở Secuntola. Vở kịch này là niềm tự hào của nhân dân Ấn Độ trong suốt 15 thế kỉ qua, và đã đưa Calidaxa lên hàng các nhà văn lớn của thế giới.
Từ thế kỉ VII đến thế kỉ XII, trong văn học Ấn Độ không có những tác phẩm đáng so sánh với những kiệt tác của thời Gúpta. Đó là vì nền văn học Sănxcrít thời kì này mất dần liên hệ với văn học dân gian, đồng thời nó không tạo ra được phong cách riêng, mà chỉ bắt chước một cách máy móc các mẫu mực cổ điển của văn học các thế kỉ trước tới mức, đã quy phạm hoá các thể thơ và dùng một phong cách rất rườm rà, rắc rối. Đề tài của văn học thường lắp lại những chuyện tình ái lấy trong vốn cổ tích Ấn Độ.
Tuy vậy, thời kì này cũng đã xuất hiện một xu hướng văn học đặc biệt phong kiến. Đó là những tác phẩm văn học ca ngợi chiến công của các vương công, được xây dựng trên cơ sở những sự kiện có thật. Tiêu biểu là các tác phẩm như : Công đức của Hácsa của Bana, Công đức của vương công Vicramanditi của Bilana, Công đức của Rama của Sandiacara Nanda, và Trường ca Pritsicát của Sandơ Badai. Ngoài nội dung văn học là chính, những tác phẩm trên còn chứa đựng nhiều yếu tố và sự kiện lịch sử, do vậy. nó còn được xem là những tài liệu lịch sử quan trọng.
Trong các thế kỉ XII – XV, văn học Ấn Độ phát triển khá mạnh. Sự xuất hiện của nhiều tác giả với các tác phẩm văn học viết bằng các tiếng địa phương khác nhau, được coi là sự kiện đáng chú ý nhất trong sinh hoạt văn học thời kì này. Vào thế kỉ XIV, nổi lên hai nhà thơ trữ tình xuất sắc nhất là Sandiđát, người Bengan và Vidiapati, người Bia. Sang thế kỉ XV, Sancaradeva đạt cơ sở cho một nền văn học bằng tiếng Átsamia, đồng thời Cabia (1440 – 1518), Nanac (1469 – 1538) và Suađát bắt đầu viết những bài thơ, văn bằng tiếng Hinđi. Ở Đécăng vào thế kỉ XIII, nền văn học bằng tiếng Marata bắt đầu phát triển. Sang thế kỉ XV, nẩy sinh nền văn học bằng tiếng Ôtiya, đặc biệt là sự phát triển của nền văn học bằng các thứ tiếng Telugu, Cannara và Tamin. Vào thế kỉ XIII, nhà thơ Tíchcala đã tiếp tục sự nghiệp của nhà thơ Nannai ở thế kỉ XI, dịch ra tiếng Telugu 15 chương trong bộ trưởng ca Mahabarata. Nhờ đó nền văn học cổ điển càng được phổ cập rộng rãi.
Dưới thời Môgôn, văn học và ngôn ngữ dân tộc vẫn tiếp tục phát triển. Tunxi Đaxơ (1532 – 1624) là một nhà thơ rất nổi tiếng đã viết thiên trường ca lớn Ramayana bằng tiếng Hindi. Nhà thơ mà Xuốc Đaxơ đã viết bằng tiếng Hindi những bài thơ trữ tình nói về tình yêu, cho đến nay vẫn làm xúc động trái tim người đọc. Vào nửa đầu thế kỉ XVII, nhà thơ Bikhác đan sáng tác tập bài ca Xátsaia (700 vần thơ). Cũng vào thời kì đó, Ecanátkhơ sáng tác Những bài ca về phong trào Bokhắcti bằng tiếng Marátkhi, còn Gavaxi ở Gôncònđơ đã viết nhiều bài thơ và hai thiên trường ca thần thoại lớn. Nhưng nổi tiếng nhất là Tanxen, một ca sĩ dưới triều Ácba. Những bài ca du dương, gợi cảm của ông ca ngợi thiên nhiên Ấn Độ, ngày nay vẫn còn được nhân dân truyền tụng.
Ngoài văn học, Ấn Độ còn đạt được những thành tựu nổi bật về nghệ thuật : kiến trúc và tạo hình, trong đó đền, chùa là những loại hình kiến trúc và tạo hình phổ biến và có giá trị nhất.
Trước thế kỉ XII, các nhà kiến trúc Ấn Độ đã xây dựng được những đền, chùa đổ sợ bằng gạch, đá hoặc khoét sâu vào núi đá, mà tiêu biểu nhất là chùa hang Atgianta ở Ôrangabát và đền “lộ thiên” Cailasa ở Enlora.
Chùa hang Átgianta là di tích của thời thịnh đạt của đạo Phật, được xây dựng trong thời gian từ thế kỉ II tr. CN đến thế kỉ VII. Trong ngót một nghìn năm, các nhà kiến trúc cùng những người thợ xây dựng và điêu khắc của nhiều thế hệ, đã tạo ra công trình kì vĩ này. Chùa hang Atgianta bao gồm 30 động lớn nhỏ, trong đó ở mỗi động, trên tường vách và trần, đều có những công trình chạm khắc và những bức bích hoạ rất điêu luyện và đầy sức hiện thực sâu sắc. Tuy đã cách ngày nay trên dưới 2000 năm, nhưng phần nhiều các bức bích hoạ và chạm khắc vẫn chưa phai nhạt.
Đền “lộ thiên” Cailasa, xây dựng vào thế kỉ VIII, cũng là một công trình kì diệu của loại kiến trúc và điêu khắc tạc trong núi đá. Đền cao 30m, rộng 60m và sâu 40m, có phòng rộng bên trong, những điện thờ khác nhau với chi tiết đầy đủ, có trụ đá được chạm khắc, tượng voi lớn bên ngoài, vô số tượng phật và các hình trang trí rất tinh vi… Tất cả đều được tạc ra trong một khối núi đá độc nhất. Điều kì diệu là tất cả ngôi đền với các chi tiết của nó đều đạt tới một trình độ rất cao. Chẳng hạn như các tượng Siva, Pácvati và Đamôna… được coi là những tác phẩm điêu khắc vào loại đẹp nhất của nghệ thuật tạo hình Ấn Độ.
Tuy nhiên, vì mang nặng tính chất tôn giáo và để phục vụ tôn giáo, điều khác Ấn Độ thời kì này có đặc điểm chung là : mô tả người không được chính xác và sinh động. Các tượng hình người thường kì dị với nhiều đầu, nhiều tay và những tư thế kì quặc (có lẽ là phỏng theo các tư thế của những vũ nữ trong các đến chùa và triều đình). Chỉ có những tượng động vật đặt ở ngoài đền thì được các nhà điêu khắc dân gian mô tả rất sinh động và hoàn toàn không theo hình thức điêu khắc tôn giáo. Những tượng voi và ngựa đặt chung quanh ngôi đền nổi tiếng ở Oritsa (xây dựng vào thế kỉ XII) thuộc loại đó.
Sang thời Xuntan Đeli, văn hoá Hỏi giáo dần dần ảnh hưởng tới văn hoá Ấn Độ. Trong lĩnh vực nghệ thuật thì ảnh hưởng đó được biểu hiện ở sự xuất hiện của những công trình kiến trúc theo kiểu Trung Á và Tây Á. Kiến trúc mới này có đặc điểm là : tháp cao nhọn, mái, cửa vòm, có sân rộng và tuyệt nhiên không có tượng người. Trong số những công trình kiến trúc của thời Xuntan Đêli thì tháp Cút Mina, xây dựng thời Cútútđịa Aibếch là tiêu biểu nhất. Ngoài ra còn có ngôi đền Ataladevi ở Đinátpua, đền Mandu, ngôi mộ thờ ở Muntan và mộ các vương công Bítgiapua ở Đê căng, cũng là những công trình kiến trúc nổi tiếng.
Đến thời Môgôn, nghệ thuật Ấn Độ đã đạt tới trình độ cao, do có sự hợp nhất giữa nghệ thuật truyền thống bản địa với những tỉnh hoa nghệ thuật Trung Á và Tây Á. Nó được thể hiện trước hết và rõ nét nhất ở kiến trúc. Người ta thấy rõ trong các cung điện, nhà thờ và lăng mộ thời kì này sự kết hợp giữa kiến trúc theo lối có sân thượng lộ thiên, có cột chống thanh thoát, những hình chạm khắc – vốn là đặc trưng của nghệ thuật Ấn Độ, với những cổng vòm, những tháp nhọn cân đối, sân rộng – vốn là đặc trưng của kiến trúc Hồi giáo. Thành Phátkhớpua, Xicơri – “Thiên thần thoại bằng đá” – thủ đô thời Ácba và ngôi mộ nổi tiếng thế giới : Tajơ Mahan ở Agra, là tấm gương rực rỡ phản chiếu tài nghệ điêu luyện của các nhà kiến trúc Ấn Độ.
Trên lĩnh vực khoa học tự nhiên, Ấn Độ cũng đạt được những thành tựu đáng kể.
Ngay từ thế kỉ V – VI, người Ấn Độ đã biết lấy căn số 2 và 3, biết tính một cách khá chính xác số 7 là 3,1416, đồng thời biết được cả những cơ sở của lượng giác học. Đến thế kỉ VIII, người ta đã giải được phương trình vô định bậc 2. Baxcarasaria, sống vào thế kỉ XII, là một trong những nhà toán học lớn nhất của Ấn Độ thời phong kiến.
Về hoá học, ngay từ thời Gúpta các ngành nhuộm, thuộc da, sản xuất xã phòng, thuỷ tinh… đã rất phát triển. Từ thế kỉ thứ VI về sau, người Ấn Độ là bậc thầy về các kĩ nghệ hoá học như : cất rượu, hỗn hợp các bột thuốc mê và thuốc ngủ, chế các muối kim thuộc, các thuốc viên và thuốc ngủ… Chính người Ả Rập đã học được ở người Ấn Độ nhiều kĩ nghệ đó, rồi truyền cho người châu Âu. Chẳng hạn, bí quyết chế tạo các lưỡi kiếm Đamát nổi tiếng, là do người Iran học của người Ấn Độ, sau truyền lại cho người Ả Rập.
Y học của Ấn Độ thời trung đại cũng đạt được những thành tựu nhất định. Các sách y học thời đó đã mô tả cách chữa nhiều loại bệnh khác nhau, kể cả việc giải phẫu như : cắt màng mắt, mổ thận lấy sỏi ra, nắn lại các chỗ gãy xương… và nói tới 121 đồ dùng để giải phẫu. Nhiều tác phẩm y học đã được xuất bản, chẳng hạn : Vácbata viết một bộ Y học toát yếu (năm 625), Sacrapandita viết cuốn Luận cao về trị liệu (thế kỉ XI), Suroxva soạn quyển Từ điển được thảo (Sabođápradipa) (thế kỉ XI) liệt kê các cây cỏ dùng làm thuốc, và Bava Mixra (1550) viết một bộ sách vĩ đại về giải phẫu, sinh lí và y khoa.
Do y học của Ấn Độ phát triển đáng kể như vậy mà từ thế kỉ VIII, người Ả Rập, Iran đã dịch nhiều sách thuốc của Ấn Độ sang tiếng Ả Rập Đại vương Hồi giáo Rasít đã mời các danh y Ấn Độ đến Bátđa dựng nhà thương và mở trường dạy y khoa cho họ.
Trung tâm của nền học văn của Ấn Độ thời trung đại là các tu viện, đền chùa, cũng chính là các trường đại học đặc thù của Ấn Độ. Quan trọng nhất trong số đó là các trường đại học Nalanda và Valabi ở miền Bắc Ấn và Cansi ở miền Nam Ấn. Trong các trường đó, tuy nội dung học tập chủ yếu là triết học Phật giáo và triết học Bàlamôn, nhưng một số các lĩnh vực khoa học khác cũng được chú ý.